Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ ba, 19/04/2022 11:04
TMO - Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ năm 2022.
Theo đó, nhiệm vụ chung của Kế hoạch là nhằm triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Khí tượng thủy văn (KTTV), Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật; tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển ngành KTTV và các quy hoạch, đề án, dự án nhằm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV và công nghệ dự báo.
Theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đặc biệt là hiện tượng áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng tai biến địa chất, sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng, chống.
Chú trọng lồng ghép các hoạt động hợp tác quốc tế trong triển khai các nhiệm vụ của ngành tài nguyên môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai cũng như huy động tốt nguồn lực quốc tế cho công tác ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai sẽ giúp các địa phương chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến thời tiết
Về các nhiệm vụ cụ thể, Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 giao Tổng cục KTTV thường xuyên theo dõi và thực hiện chế độ trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổng hợp tình hình công tác phòng, chống và diễn biến của thiên tai, sự cố; tham mưu cho Trưởng Ban, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo toàn ngành xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.
Đề xuất thành lập, tổ chức các Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Bộ chủ trì kiểm tra tại các tỉnh theo phân công của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống thiên tai, việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai; dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại các địa phương;
Bên cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổng hợp, đề xuất việc hỗ trợ kinh phí đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương.
Việc ứng dụng và nâng cao công nghệ dự báo thiên tai giữ vai trò quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo
Đồng thời, Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo quan trắc, đo đạc đầy đủ, kịp thời thông tin thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo KTTV; các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh.
Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão, áp thấp nhiệt đới và cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Cải tiến nội dung các bản tin dự báo theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác cho cộng đồng.
Đợt mưa trái mùa xảy ra trong cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022 tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề
Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 5-10/2022. Theo đó, dự báo khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến các tháng đầu mùa hè với xác suất khoảng 50-60%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực Nino3.4) có khả năng tăng dần và chuyển sang trạng thái trung tính.
Dự báo thiên tai năm nay vẫn sẽ khốc liệt, trong đó bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5-7/2022 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm sau đó từ tháng 8-10/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Về tình hình nắng nóng, theo cơ quan khí tượng, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, có cường độ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Tại Nam Bộ, trong tháng 5/2022, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần. Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,3-0,5m.
Minh Phương
Bình luận