Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ hai, 16/09/2024 08:09
TMO - Với việc chú trọng chuyển đổi số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã từng bước hình thành nên những vùng nông thôn mới thông minh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp trong triển khai thực hiện nông thôn mới mà nhiều địa phương đang thực hiện. Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định) là địa phương được Trung ương chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, một trong những tiền đề để xã Giao Phong thực hiện thí điểm mô hình NTM thông minh là điểm sáng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống ở xóm Lâm Phú.
Thông tin từ Ban công tác mặt trận xóm Lâm Phú, hiện nay để kiểm tra tình hình trật tự xóm, hay kiểm soát vệ sinh môi trường, người dân đã ứng dụng camera hiện đại. Nhờ đó ý thức tự giác giữ gìn môi trường, cảnh quan xóm làng cũng thay đổi khác hẳn xưa kia. Đặc biệt, hiện nay 100% địa bàn xã được phủ sóng Wifi là yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi số xây dựng NTM thông minh. Hiệu quả bước đầu có thể thấy rõ nhất đó là người dân đã nâng cao được tri thức cũng như đời sống tinh thần của mình.
Bên cạnh đó nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng tích cực chuyển đổi số, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Như tại xã Nam Mỹ (Nam Trực), vào tháng 2/2024, xã Nam Mỹ đã được UBND tỉnh công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2023 về lĩnh vực chuyển đổi số. Đạt được kết quả trên có sự góp phần không nhỏ của Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) tại các thôn, xóm.
Người dân đã được hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử. Đại diện thôn Tiền Phong 1 (xã Nam Mỹ) cho biết, sau khi được thành lập, các thành viên trong TCNSCĐ của thôn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Nam Trực phối hợp tổ chức. Các thành viên của TCNSCĐ đã nắm bắt được các kỹ năng, tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số.
Chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Nam Định luôn cập nhật kịp thời tin tức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HA.
Đến nay, nhiều người dân trong thôn đã sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên thiết bị điện thoại thông minh. Đặc biệt người dân đã thuần thục thao tác quét mã QR code được niêm yết tại nhà văn hóa thôn để tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến (khai báo hồ sơ, nộp hồ sơ, thanh toán phí dịch vụ...) không phải mất thời gian ra trụ sở UBND xã.
Ngoà ra, tại xóm Tân Phong, xã Giao Phong (huyện Giao Thuỷ) cũng là một trong những địa chỉ tích cực chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Xóm Tân Phong được chọn thí điểm xây dựng mô hình xóm thông minh, với các mục tiêu thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số toàn diện vào các lĩnh vực đời sống xã hội, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nông thôn.
Xóm đã vận động xã hội hóa được nhân dân đồng thuận đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống camera an ninh, mạng internet tốc độ cao, phát sóng wifi phát miễn phí với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống 9 camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xóm rộng 500m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ đạt tới 80%, người dân dễ dàng truy cập internet để thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự khi có nhu cầu, đọc tin tức để nắm bắt, cập nhật thông tin chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện.
Nhiều mặt hàng nông sản đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch trên mạng internet như lạc đỏ, chả mực, yến sào…100% hộ gia đình, được gắn biển địa chỉ số; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 95%. Việc thông tin, điều hành các công việc chung của xóm cũng nhanh chóng hơn thông qua ứng dụng mạng xã hội kết nối cộng đồng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt, qua tài khoản ngân hàng ngày càng được nhiều người dân và hộ kinh doanh trên địa bàn sử dụng. Tỷ lệ sử dụng thanh toán số trên địa bàn xóm đạt hơn 30%.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định đã thành lập 2.160 TCNSCĐ với 11.500 thành viên của 2.160 thôn, xóm, tổ dân phố. Các TCNSCĐ đã tích cực hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; phổ cập công nghệ số… ứng dụng VNeID; bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money, thanh toán điện tử, hướng dẫn trực tiếp các hộ kinh doanh đăng ký cửa hàng trực tuyến và tài khoản thanh toán điện tử; thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia; tra cứu thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo, các sàn thương mại điện tử; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống.
Người dân Nam Định đã ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm OCOP của mình.
Qua đó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, triệt để đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trong tỉnh trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Sau hơn 2 năm hoạt động của TCNSCĐ đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đều đạt hoặc vượt so với yêu cầu đặt ra. Đến nay, Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng chuyển đổi số toàn quốc, người dân dần nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ trong đời sống sản xuất, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, sinh thái có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh và thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định cho biết, để phát huy vai trò của TCNSCĐ trong hướng dẫn người dân đổi mới tư duy nhận thức, thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả của TCNSCĐ. Hiện tại, toàn tỉnh Nam Định đã có 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 40/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6/16 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thông minh, NTM kiểu mẫu, tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2021, về việc thực hiện Nghị quyết số 06-nq/tu ngày 18/6/2021 của ban chấp hành đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Nam Định sẽ có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.
Hải Minh
Bình luận