Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ bảy, 30/09/2023 06:09
TMO - Việc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, chè Shan tuyết tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) có nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh đó sản phẩm này cũng cần được chú trọng, nâng cao chất lượng.
Huyện Bắc Hà nổi tiếng là thủ phủ cây chè Shan tuyết của Lào Cai với Chè Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh đã tìm được chỗ đứng ở Mỹ và châu Âu. Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, huyện Bắc Hà đã định hướng phát triển các cây trồng chủ lực, trong đó chú trọng cải tạo, trồng mới, trồng dặm bổ dung diện tích bị mất khoảng phát triển vùng chè shan tuyết, định hướng đến năm 2025 và năm 2030, phấn đấu diện tích 1.300 ha tại các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, trong đó diện tích được chứng nhận hữu cơ 1.144ha. Việc phát triển cây chè Shan tuyết đã giúp bà con nông dân vùng cao Bắc Hà thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất vùng cao này…
Tính đến hết tháng 7 năm 2023, tổng diện tích chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Bắc Hà đạt 1.036ha tại 02 xã Bản Liền (873ha) và Tả Củ Tỷ (163ha). Trong đó, gần 700 ha tại xã Bản Liền chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ EU, Canada, Hoa Kỳ,...; chứng nhận Cục an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); chứng nhận Thương mại công bằng Fairtrade (FloCert CHLB Đức). Đây được coi là chuỗi sản xuất giá trị sản xuất nông nghiệp hoàn chỉnh, tiêu biểu, bền vững, gắn kết mật thiết giữa người nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ từ năm 2004 đến nay.
Vùng chè Shan tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào.
Vùng sản xuất chè hữu cơ đã tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho trên 300 hộ với hơn 1.500 lao động tại 04 thôn (08 nhóm) người dân tộc tày của xã Bản Liền. Năm 2022, giá thu mua chè búp tươi trung bình 17.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 96 triệu đồng. Doanh thu từ cây chè shan tuyết đạt trên 63,5 tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Năm 2023, giá thu mua chè tươi 6 tháng đầu năm tăng 2.000 đồng/kg nâng giá chè búp tươi lên 19.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 107 triệu đồng. Giá trị thu nhập đạt trên 94 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 huyện Bắc Hà đã thu hoạch được 2.048 tấn chè búp tươi đạt 41,2% kế hoạch (KH), tăng 126,5% so với cùng kỳ (CK), tương đương 393,8 tấn chè khô, giá chè búp tươi thu mua ổn định, tăng nhẹ, giá trị ước đạt trên 34 tỷ đồng. Đồng thời, huyện Bắc Hà cũng đã triển khai trồng mới 156ha/215ha đạt 72,6%KH năm 2023 và trồng dặm các diện tích chè bị mất khoảng, chủ yếu tập trung tại 02 vùng chuyên canh chè Shan tuyết nổi tiếng trong nước và thế giới; Bản Liền và Tả Củ Tỷ.
Dự kiến huyện Bắc Hà sẽ mở rộng vùng sản xuất chè đến năm 2025 đạt 1.500ha, tăng 803ha so năm 2022; đồng thời thực hiện cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, trồng bổ sung đảm bảo mật độ, tập trung thâm canh tăng năng suất chè kinh doanh, đặc biệt mở rộng vùng canh tác chè Shan tuyết hữu cơ lên đạt 1.500ha tại 02 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ. Chú trọng bảo tồn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Thu Phố.
Hiện trên địa bàn xã đã có 34 hộ dân ở các thôn Đội 3, 4, Pắc Kẹ hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm vùng chè Shan tuyết, khám bản sắc dân tộc Tày. Để phát triển du lịch cho địa phương, Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (dự án Cred) đã đầu tư 250 triệu đồng giao cho Ban Quản lý du lịch xã giải ngân cho 5 hộ gia đình làm du lịch Homestay và dịch vụ vay. Các hộ đã vay nguồn vốn xoay vòng của Dự án để sửa chữa nhà ở, cải tạo và làm mới công trình phụ bảo đảm tiêu chuẩn đón khách.
Việc công nhận quần thể chè Shan tuyết là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè.
Trước những giá trị mà cây chè cổ thụ mang lại cho đời sống của người dân, cũng như với nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà là Cây Di sản Việt Nam. Số cây di sản này được khảo sát, lựa chọn trong quần thể hơn 8.500 cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện có trên địa bàn huyện Bắc Hà, đạt các tiêu chí công nhận.
Việc công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận công sức của nhiều thế hệ người dân địa phương trong phát triển vùng chè; là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ, đặc biệt là trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại thông qua công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè. Đây cũng là niềm tự hào của không chỉ riêng các chủ hộ sở hữu cây mà còn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đặt ra trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của loại cây này.
Để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè, nâng cao đời sống người trồng chè ở địa phương, lãnh đạo huyện Bắc Hà đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Hoàng Thu Phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Phương án số 05/PA-UBND ngày 16/5/2023 của UBND huyện Bắc Hà về bảo tồn, phát triển các vườn chè Shan cổ thụ trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật, bố trí, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cho người dân trong bảo tồn, chăm sóc chè cổ thụ theo đúng quy trình kỹ thuật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm chè cổ thụ Bắc Hà gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch trải nghiệm; chú trọng thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; chủ động nhân giống cây để tăng diện tích, số lượng cây chè và đầu tư các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch gắn với trải nghiệm vùng chè cổ thụ, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.
Lê Hồng
Bình luận