Hotline: 0941068156
Thứ tư, 05/02/2025 15:02
Thứ tư, 05/02/2025 08:02
TMO - Để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An và các địa phương đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia: Từ tháng 02-5/2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Cửu Long về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5-12%. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở khu vực ĐBSCL vào giữa tháng 02/2025, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu.
Do đó, các địa phương ở Vùng ĐBSCL cần triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, cập nhật các thông tin dự báo hàng ngày, dự báo tháng đề phòng tình hình KTTV có những diễn biến phức tạp.
Theo bản tin dự báo KTTV thời hạn mùa khu vực tỉnh Long An của Đài KTTV tỉnh (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025), về độ mặn trên 2 sông Vàm Cỏ: Trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN. Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn. Lân cận Cầu Nổi không có nước ngọt trong suốt mùa khô kể cả vào lúc triều thấp.
Theo đó, để chủ động phòng chống ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trong tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong suốt mùa khô.
Ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra độ mặn để thông báo đến người dân.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nước, độ mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch... để chủ động thông tin tình hình chất lượng nước đến người dân; vận hành, điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; đồng thời, khuyến cáo người dân tuyệt đối không tiếp tục xuống giống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, thiếu nước, chỉ tổ chức xuống giống khi có mưa hoặc nguồn nước đảm bảo, không còn nhiễm mặn nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác vận hành công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra các cống đầu mối ngăn mặn, đảm bảo không để nước mặn xâm nhập vào khu vực nội đồng và theo dõi liên tục tình hình nguồn nước, chất lượng nước để có kế hoạch vận hành hợp lý các cửa cống, trạm bơm góp phần tích trữ đủ nước phục vụ sản xuất trong các đợt mặn cao điểm theo khuyến cáo của cơ quan Trung ương.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 tại địa phương nhằm triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân được kịp thời, hiệu quả.
Việc chủ động được nguồn nước trong mùa khô góp phần giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên môn về dự báo khí tượng thủy văn nhằm kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động các giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Theo dõi, thường xuyên đo đạc độ mặn tại các công trình đầu mối và kênh mương nội đồng; vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi nội đồng đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt; giữ gìn vệ sinh nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm đảm bảo nguồn nước đủ phục vụ sản xuất trong các giai đoạn cao điểm của mùa hạn mặn theo khuyến cáo của các cơ quan dự báo Trung ương, của tỉnh. Tổ chức kiểm tra khoanh vùng xác định khu vực có khả năng thiếu nước sản xuất (đặc biệt khu vực trồng cây ăn trái) để có kế hoạch vận hành công trình lấy nước hợp lý, tránh trường hợp độ mặn tăng cao làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Xác định các khu vực mà người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt từ đó chuẩn bị phương án chuyển nước, hỗ trợ trang bị các dụng cụ trữ nước cần thiết, đảm bảo không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt trong suốt mùa khô.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Long An xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và dân sinh, trong đó ưu tiên cung cấp điện để vận hành các trạm bơm, trạm cấp nước sinh hoạt để phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô.
Đài Khí tượng và Thuỷ văn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, triều cường; tăng cường phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền đến mọi người dân biết để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.
Năm 2024, tác động của hiện tượng El Nino, lượng mưa thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài ở hầu hết các khu vực của tỉnh ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là các huyện vùng hạ của tỉnh. Mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ có hơn 10.000 hộ dân thiếu nước trầm trọng. Trong đó, huyện Cần Đước 2.000 hộ, huyện Cần Giuộc 6.150 hộ và huyện Tân Trụ 1.880 hộ dân.
Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao vào mùa khô. Ngoài sử dụng cho mục đích sinh hoạt, người dân còn sử dụng cho mục đích chăn nuôi và tưới cây, kiểng,… nguồn nước cấp cho các khu vực này chưa đáp ứng đầy đủ, nhất là khu vực cuối nguồn của các xã thuộc huyện: Cần Đước, Cần Giuộc. Chính vì vậy việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay được địa phương này đặc biệt chú trọng triển khai.
Hồng Thắm
Bình luận