Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 17:01
Thứ năm, 16/01/2025 06:01
TMO - Mặc dù mới bước vào cao điểm mùa khô, tuy nhiên nguồn nước tự nhiên tại Tuyên Quang đang dần suy giảm, xuống thấp gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Để kịp thời khắc phục, cung cấp đủ nước cho nhân dân, các cơ quan ban ngành tỉnh Tuyên Quang đã triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng thiếu nước.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia, thời tiết năm nay tiếp tục có những biến động, đặc biệt là hệ thống thủy văn đồng nghĩa với tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm tiếp tục bị thu hẹp và hạ thấp. Nguy cơ thiếu nước cho cả sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra.
Dự báo, trong mùa khô năm 2025, một số khu vực sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do thiếu hụt lượng mưa và lượng dòng chảy ít do năng lực lấy nước của các công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính và tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2025. Trên thực tế hiện nay, mực nước trên hệ thống các sông, suối, ao hồ đang ở mức rất thấp.
Báo cáo liên ngành Môi trường và Nông nghiệp lượng nước tích trữ trung bình hiện tại trong các hồ chứa hiện nay chỉ đạt khoảng 60 - 70% tổng dung tích trữ; mực nước sông Lô cũng đang ở mức rất thấp 11,51 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 là 14 cm. Mực nước mặt bị thu hẹp, cạn kiệt kéo theo mực nước ngầm cũng bị hạ thấp.
Một số người dân xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến (huyện Sơn Dương); xã An Khang, Thái Long (TP Tuyên Quang) thông tin, thời điểm này rất nhiều giếng khoan của các hộ gia đình đã bị cạn, lượng nước bơm tiết kiệm mới đủ để sinh hoạt hàng ngày. Trước thực trạng khó khăn về nguồn nước, UBND tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán cho sản xuất vụ xuân 2025. Lãnh đạoTrung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Đảm bảo đủ lượng nước cấp phục vụ nhu cầu của người dân, từ năm 2021 đơn vị đã tiến hành cải tạo nâng cấp sửa chữa, mở rộng quy mô cấp nước cho 10 công trình.
Cụ thể, ngay từ năm 2010, công trình nước sạch xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên) được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác công trình đã xuống cấp, công suất cấp nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong xã.
Lượng nước sông ngòi xuống thấp, tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ giải pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô 2025. (Ảnh minh hoạ).
Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, công trình được nâng cấp mở rộng với công suất khai thác khác cung cấp 200 m3/ngày, đêm. Cán bộ vận hành công trình nước sạch xã Thái Sơn cho biết, trước đây, người dân thường đào, khoan giếng hoặc dẫn nước từ các mạch suối đầu nguồn về để nấu ăn uống, về mùa khô nguồn nước khan hiếm, chất lượng nước không bảo đảm.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được nâng cấp và đi vào hoạt động đã góp phần giải tỏa “cơn khát” nước sạch, mang lại niềm vui cho người dân. Hiện ngoài 131 hộ đang sử dụng, công trình sẽ thực hiện đấu nối mới cho 71 hộ, ngoài ra sẽ lắp đặt đường ống chờ để sẵn sàng đấu nối khi có hộ phát sinh có nhu cầu sử dụng nước. Bên cạnh việc đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước sinh hoạt, ngành chức năng cũng đã có giải pháp để khắc phục khó khăn đảm bảo nước phục vụ sản xuất.
Trong đó, các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước: kiểm tra và tổ chức giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước ở tất cả các công trình thủy lợi, đặc biệt trong các hồ, ao… để có nguồn nước tưới chủ động chống hạn cho cả quá trình sản xuất. Đồng thời sửa chữa rò rỉ các đập đầu mối; xử lý rò rỉ ở các van cống lấy nước, cống điều tiết… Đối với các trạm bơm, tổ chức kiểm tra, sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu để phòng, chống khi có hạn xảy ra.
Đồng thời nạo vét bể hút, bể xả và vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo các trạm bơm làm việc an toàn, đúng năng lực thiết kế. Riêng với các trạm bơm ven sông Lô, sông Gâm các Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ sở cần thường xuyên theo dõi và bám sát lịch xả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mùa khô còn kéo dài đến tháng 4-5, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn sinh thủy, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước.
Đây là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất nhằm chia sẻ cơ hội cho nhiều người dân vùng khó khăn được sử dụng nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo cấp nước an toàn, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ động tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn; dự báo về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, việc vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống nhằm đảm bảo nguồn nước.
Tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu các giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối giữa các nhà máy nước, bố trí quỹ đất cho hồ sơ lắng và bể dự trữ nước trên hệ thống cấp nước; tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm mùa khô.
Người dân cần tiết kiệm nước trong cao điểm khô hạn. (Ảnh minh hoạ: BYB).
Đặc biệt, trước tình hình hạn hán, thiếu nước có nguy cơ xảy ra trong mùa khô, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 5829/UBND-KT ngày 14/12/2024 chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo đời sống và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp đồng bộ, cụ thể: UBND huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Rà soát, đánh giá tình hình, khả năng ảnh hưởng của hạn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân; xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thường xuyên kiểm kê, đánh giá nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp.
Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước.
Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện phương án phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn các đơn vị chuyên môn lập lịch cấp nước, kế hoạch vận hành hệ thống các công trình thủy lợi; thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, phù hợp với nguồn nước và sản xuất của từng địa phương. Tổng hợp, đánh giá tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền để xem xét, giải quyết.../.
Thu Hương
Bình luận