Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ ba, 16/04/2024 07:04
TMO - Các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế.
Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Bên cạnh đó, khu vực này còn có thuận lợi lớn về đường biên giới rất dài với Trung Quốc - thị trường chủ lực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đối với thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Chính những lợi thế và việc tận dụng các lợi thế trên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã góp phần tạo nên thành công của bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, trong 2 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng.
Một số mặt hàng cây ăn quả tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), với một số mặt hàng cây ăn quả tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc như: Nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các mặt hàng này, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả xuất khẩu tốt, được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài và hiện đang giữ thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á - châu Phi. Dư địa mở rộng thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của vùng sang khu vực này còn rất lớn.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng Trung du, miền núi phía Bắc sang khu vực châu Âu - châu Mỹ trong 2 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể như gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 1,36 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng rau quả đạt hơn 93 triệu USD, tăng hơn 18%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 18 triệu USD, tăng hơn 238%; xuất khẩu gạo đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 238%; và xuất khẩu chè gần 3,9 tỷ USD, tăng hơn 17%.
Về mặt dài hạn, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam nói chung, vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói riêng sang thị trường châu Âu - châu Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng vì Việt Nam là nước có lợi thế XK đặc biệt khi sở hữu tới 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định với các nước, khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn trong khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế. Đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước. Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn, với một số địa phương đầu tàu có tốc độ phát triển nhanh hơn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai. Lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp.
Việc phát triển doanh nghiệp trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng. Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Bên cạnh đó, triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản) tới các đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cần tăng cường công tác theo dõi tình hình tại các cửa khẩu, kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là hoa quả, nông sản để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện.
Các địa phương trong vùng cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tập trung khai thác, phát triển sản phẩm chung là thế mạnh của vùng để tạo ra giá trị lớn hơn.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cả vùng cần liên kết, tập trung khai thác, phát triển sản phẩm chung là thế mạnh của vùng để tạo ra giá trị lớn hơn, lợi ích lớn hơn khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường kết nối với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật thông tin, xu hướng của thị trường nước ngoài.
Các Sở Công Thương, các địa phương cũng như doanh nghiệp cần phối hợp với các sàn thương mại điện tử để nắm bắt những nội dung, xu hướng tiêu dùng mới để tự nâng cao năng lực kinh doanh trên môi trường số. Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư gắn với lợi thế nổi trội của vùng để nâng cao hiệu quả thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành tài nguyên khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất phân bón và hóa chất; phát triển thị trường nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ.
Tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới Logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh, khai thác triệt để lợi thế về vận tải đa phương thức trong vùng để phát huy tối đa lợi thế các địa phương trong vùng giao thoa, chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng trung du, Miền núi phía Bắc nhằm khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương theo hướng cụm liên kết ngành công nghiệp, tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, khai thác tiềm năng phát triển thương mại điện tử, trung tâm logistics quy mô vùng không chỉ phục vụ cho phát triển thương mại nội địa mà còn tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội phát triển kinh tế biên mậu. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định và nhấn mạnh, liên kết phát triển vùng là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;
Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là một trong những Nghị quyết về phát triển Vùng được Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm đầu tiên của giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy mục tiêu tăng cường liên kết vùng để khắc phục không gian phát triển không bị chia cắt theo địa giới hành chính, góp phần phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng, trong đó vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được xác định là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, là địa bàn giàu tiềm năng, có lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch và kinh tế biên mậu.
Mạnh Cường
Bình luận