Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 20:01
Thứ bảy, 10/02/2024 19:02
TMO – Đối với người dân Việt, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người vẫn không quên vào đình, chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Ngay sau thời khắc giao thừa, người dân thường rủ nhau đi lễ chùa đầu năm để xin lộc bởi quan niện đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất.
Chùa chiền là không gian thờ Phật và nơi tụ họp của các tăng ni Phật tử. Sự xuất hiện của chùa chiền gắn liền với lịch sử du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Triết lý Phật Giáo đã dung hòa vào sinh hoạt văn hóa, tư tưởng, tình cảm của con người Việt cổ một cách tự nhiên. Người Việt luôn thờ cúng và tôn sùng các hiện tượng tự nhiên gắn với đời sống sinh hoạt của họ như Thần mưa, thần gió… Đạo Phật phù hợp với tín ngưỡng dân gian, nên Đức Phật luôn được quan niệm là vị thần vạn năng, nhiều phép lạ, xuất hiện để cứu con người khỏi cái xấu cái ác. Đạo đức Phật giáo luôn răn dạy “ở hiền gặp lành”, “hành thiện tránh ác”, “từ bi cứu khổ”… đã dung hòa cùng tâm tư, nguyện vọng ngàn đời của nhân dân.
Phật Giáo Việt Nam mang tinh thần nhập thế, gắn bó với đời sống nhân dân và cùng trải qua thăng trầm đất nước. Trong chiều dài lịch sử, Phật giáo được tôn sùng và trở thành Tôn giáo chính ở nhiều triều đại phong kiến. Đến khi bị thực dân Pháp xâm lược, dù bị nhiều lần bị đàn áp, các tăng ni Phật tử khi đó vẫn kiên cường bảo vệ và giữ gìn nét đẹp văn hóa ngàn đời.
Đình, chùa là chốn linh thiêng, là không gian giúp con người trút bỏ mọi ưu phiền để cuộc sống có ý nghĩa hơn, không phải là nơi cầu danh vọng, giàu sang phú quý. Ảnh minh họa.
Sự phát triển của Phật giáo trong dòng chảy lịch sử đã hình thành nhiều ngôi chùa có kiến trúc đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc và nghi thức lễ chùa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Dù có sự khác biệt về phong tục tập quán giữa các vùng miền nhưng lễ chùa đầu năm vẫn trở thành truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Chùa chiền là nơi mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị trong xã hội bị xóa bỏ, con người chỉ nhất tâm hướng về Phật. Trong quan niệm người Phật, lễ chùa không chỉ để cầu mong năm mới bình an và tốt lành mà còn là khoảnh khắc được hòa mình vào chốn thiêng liêng, bỏ lại phía sau cuộc sống mưu sinh vất vả và tìm kiếm trạng thái bình yên, thanh thản. Như vậy, nhờ ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, lễ chùa đầu năm không chỉ là trải nghiệm văn hóa tâm linh mà trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và lan tỏa.
Trong xã hội hiện đại, lễ chùa đầu năm đã thay đổi so với quá khứ rất nhiều. Một trong những biến đổi đáng chú ý là nghi lễ này bị nhiều người hiểu không đúng, bằng những hiện tượng biến tướng phản cảm, làm mất đi giá trị nhân văn của truyền thống. Theo các chuyên gia văn hóa, lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều “tệ nạn”. Người ta mang cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng, lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng), người ta hóa vàng trong chùa. Những hành động phản cảm này xuất phát từ tâm lý thực dụng của người dân. Họ nghĩ đi cầu khấn Phật, cúng bái nhiều hiện vật thì “buôn một bán mười.” Chính những hành động đó làm mất sự tôn nghiêm của Phật giáo. Họ không hiểu sâu sa rằng, đến cửa Phật là tìm đến sự an lạc trong tâm thái. Đức Phật có thể ban cho họ sự thanh thản trong tâm hồn chứ không phải vị thần vạn năng, cho mọi người mọi thứ họ yêu cầu.
Người dân có thói quen đi chùa thắp hương cầu bình an, khỏe mạnh cho bản thân, gia đình ngay sau khoảnh khắc giao thừa.
Trong quan niệm người Việt, đi chùa đầu năm mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, gạt bỏ những điều không tốt không hay của năm cũ và đón năm mới trong phước lành, thanh tịnh của nhà chùa. Đi chùa ngoài cầu chúc năm mới bình an và tốt đẹp, con người còn có cơ hội được trải nghiệm trong không gian tâm linh với mùi nhang khói, màu sắc của đèn và hoa tươi. Lễ chùa đầu năm con người muốn khởi đầu trong sự thanh thản, bình an. Nghi lễ này đã tồn tại đến hàng ngàn năm lịch sử bởi những giá trị nhân văn từ đạo Phật. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm trong bản thân mỗi chúng ta. Vậy nên, đi lễ chùa chỉ để khởi phát thiện tâm của mỗi con người. Chúng ta đến cửa Phật với tâm lành, ý thiện. Phật không ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn nhưng dạy ta quy luật của cuộc đời.
Vì thế, bước chân chốn cửa Phật, chúng ta sẽ trân trọng cuộc sống, trân trọng và tận hưởng những gì mình đã có. Để những giá trị nhân văn của nghi lễ đi chùa đầu năm lan tỏa, mỗi người dân cần hiểu giáo lý cơ bản của Phật giáo, từ bỏ lòng tham, sự ồn ào của áp lực cuộc sống khi đặt chân vào cửa chùa. Thay vì những hành động thực dụng phản cảm, chúng ta có thể sáng tạo những giá trị nhân văn bằng cử chỉ đẹp nơi chùa chiền. Vào thời khắc đất trời đã chuyển sang một năm mới cũng là lúc mọi ngôi chùa trên cả nước trở thành không gian mọi người gửi gắm tâm nguyện và tìm kiếm sự bình an. Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp, rất cần mọi người giữ gìn và trân trọng./.
THANH BÌNH
Bình luận