Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ ba, 09/04/2024 05:04
TMO - Thời gian qua, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển mạnh với nhiều loại hình, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người, tạo sự gắn kết và tự hào cho mỗi người dân về một miền quê tươi đẹp, đáng sống, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Tỉnh Lào Cai đang sở hữu tài nguyên đa dạng và phong phú với những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của 25 nhóm ngành dân tộc với nhiều lễ hội, làng nghề, chợ phiên nổi tiếng cùng những không gian trải nghiệm độc đáo, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn như Tả Phìn, Tả Van, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Cát Cát (thị xã Sa Pa), Tà Chải, Bản Phố, Tả Van Chư (Bắc Hà), Bản Mế, Cán Cấu (Si Ma Cai), Mường Hum, Y Tý (Bát Xát)… Trong các loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Đến nay, Lào Cai có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên. Toàn tỉnh có 457 cơ sở lưu trú tại gia (homestay) ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên, thành phố Lào Cai. Các homestay cơ bản đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho khách lưu trú. Với việc lựa chọn dịch vụ homestay, khách du lịch được ngủ, nghỉ tại nhà truyền thống của người Dao, Mông; nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày; nhà trình tường người Hà Nhì… và tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân địa phương.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa); dân tộc Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng của tỉnh với khách du lịch. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai 08 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; trong đó 01 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 07 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 01 mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên”. Năm 2021, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã có chính sách cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (01 hộ gia đình được vay tối đa 200 triệu đồng/02 người lao động); hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/đội đối với thành lập mới câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian và hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/tháng/đội duy trì hoạt động của câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian.
Đến hết năm 2023, đã giải ngân được 22 tỷ đồng cho 224 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Yên giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Bước đầu hình thành được 10 đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch, khuyến khích người dân có ý thức bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn chủ yếu lồng ghép với hoạt động xúc tiến chung của tỉnh. Đến nay, có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức như xây dựng các ẩn phẩm quảng bá du lịch: du lịch chợ phiên, du lịch leo núi, du lịch tâm linh, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà, in ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch Lào Cai, sách ảnh du lịch Lào Cai…
Theo đánh giá của Sở Du lịch tỉnh, năm 2023, lượng khách đến Lào Cai hơn 7,2 triệu lượt, trong đó lượng khách đi du lịch nông thôn chiếm 30%, tăng gấp đôi so với năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, bởi còn những cái khó cần giải quyết. Số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn chưa nhiều, chủ yếu ở quy mô nhỏ do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn cũng chủ yếu mang tính chất tự phát… Ở một số vùng, vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Một hạn chế nữa đối với du lịch nông thôn của tỉnh là chưa hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Khách du lịch trải nghiệm mùa lúa chín ở Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: QP.
Trước những hạn chế trên, đồng thời hướng tới các mục tiêu trong phát triển du lịch nông thôn, trong năm 2024, tỉnh Lào Cai triển khai xây dựng mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô” đồng thời tiếp tục đề ra các giải pháp, nhiệm vụ triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm, trọng tâm tại các xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), xã Y Tý (huyện Bát Xát), xã Tả Phìn, Tả Van (thị xã Sa Pa).
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá có tiềm năng phát triển du lịch để cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất; tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay), du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá bản địa trên địa bàn tỉnh. Xây dựng 01 sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại xã Nghĩa Đô có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” để định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của từng địa phương để khách du lịch trải nghiệm, mua làm quà biếu, quà tặng.
Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch dược liệu, sản phẩm trải nghiệm văn hoá ruộng bậc thang và nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai. Tiếp tục thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên các tuyến đường du lịch được phê duyệt; xây dựng sản phẩm Con đường du lịch xanh theo định hướng “du lịch xanh, thông minh và khác biệt”.
Thời gian tới tỉnh Lào Cai tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. Tổ chức các lớp tập huấn về giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa; tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm áp dụng cho các cơ sở lưu trú về công tác thống kê và dự báo thị trường; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào du lịch và du lịch thông minh.
Phổ biến đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lào Cai biết để sử dụng các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập kỹ năng số cho người dân như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; ứng dụng Lào Cai số... Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.
Hoài Dương
Bình luận