Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 21:02
Thứ ba, 11/02/2025 16:02
TMO - Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics...theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại.
Lạng Sơn có 231,74 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc; 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện. Đáng chú ý, địa phương này là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Đây là những lợi thế hết sức quan trọng để địa phương này phát triển kinh tế cửa khẩu và các dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp, thương mại điện tử.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn. Theo Sở Công thương Lạng Sơn từ năm 2016-2024, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã thu hút 154 dự án. Trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 87 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, trung tâm thương mại...
Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu và các dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp, thương mại điện tử.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư để triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu.
Điển hình là tập trung đầu tư xây dựng công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp, cải tạo đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình); cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị-Bảo Lâm.. Những dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn tỉnh.
Để nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu, những năm qua, tỉnh đã tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cửa khẩu, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 39 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, bãi xe tại khu vực cửa khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu (gồm: 8 kho lạnh và 20 kho hàng khô). Cùng với đó các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 23 bến bãi xe tại các cửa khẩu nhằm phục vụ xe lưu chuyển xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.
Kết quả cho thấy, năng lực thông quan tại các cửa khẩu không ngừng tăng. Cụ thể cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có năng lực thông quan tăng hơn hai lần. Cửa khẩu Tân Thanh thông quan đạt từ 600 đến 700 xe/ngày; năng lực thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) đạt trung bình 600 xe/ngày. Đối với cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể đạt 120 toa xe chở hàng/ngày.
Địa phương này không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Trong những năm qua, Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa trong hoạt động thương mại biên giới, nhất là thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu. Năm 2022, tỉnh đã phát triển và đưa vào triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (nay là đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị).
Đến nay đã có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số, 100% xe hàng đều khai báo trực tuyến trên hệ thống trước khi vào cửa khẩu, thông tin được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, công khai, góp phần tăng cường công tác quản lý của các cơ quan nhà nước và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đang tập trung triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước với việc xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, tách biệt với tuyến vận chuyển truyền thống hiện nay.
Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Lạng Sơn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2027 nâng cao năng lực thông quan gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 nâng cao năng lực thông quan gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại. Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Tập trung thu hút và mở rộng các dự án phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Tập trung hoàn thành đầu tư thí điểm và vận hành cửa khẩu thông minh.
Trong thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Hải Yến
Bình luận