Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Thứ bảy, 09/03/2024 07:03
TMO - Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện chính sách mới đối với công tác nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải trả chi phí nạo vét lòng hồ cho các doanh nghiệp, Nhà nước không hỗ trợ từ ngân sách.
Theo đó, các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải trả chi phí nạo vét lòng hồ cho các doanh nghiệp, Nhà nước không hỗ trợ từ ngân sách. Khoáng sản do nạo vét tận thu từ lòng hồ sẽ được bán đấu giá, tiền thu được nộp ngân sách Nhà nước; không cho phép các doanh nghiệp tự bán để trả tiền chi phí phương tiện, thiết bị, nhân công, nhiên liệu phục vụ nạo vét lòng hồ như trước đây.
Cụ thể: Đối với các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công tác nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện, thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ hồ và doanh nghiệp nạo vét, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ chi phí thực hiện công tác nạo vét này; đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với đơn vị chủ hồ để được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo thỏa thuận.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung theo đề nghị của Sở Tài chính tại cáo số 330/STC-GCS ngày 26/2/2024, thông báo đến các tổ chức, cá nhân hoạt động nạo vét có tận thu khoáng sản trên địa bàn biết để thực hiện theo quy định.
Ảnh minh họa.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng một số nội dung, trong đó cho cho rằng: Trách nhiệm nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi về cơ bản do chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý, vận hành, khai thác hồ chứa (chủ hồ chứa) thực hiện. Tuy nhiên, thực tế tại doanh nghiệp đang thực hiện nạo vét mà không được hoàn trả chi phí từ chủ hồ chứa và các chủ hồ chứa cũng không kê khai chi phí nạo vét vào chi phí vận hành hằng năm của các thủy điện có liên quan.
Bên cạnh đó, để làm ra được 1m3 cát, sỏi sạch đưa vào đấu giá, doanh nghiệp còn phải chi trả rất nhiều chi phí liên quan: chi phí nhiên liệu, nhân công, máy móc, thiết bị để tách lọc; chi phí quản lý, bảo vệ; chi phí bảo vệ môi trường. Do đó, việc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định sau khi đấu giá không hoàn trả lại chi phí cho doanh nghiệp là nhận định không hợp tình, hợp lý.
Sau khi tổ chức họp liên ngành với các Sở Công Thương, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cùng các doanh nghiệp, Sở Tài chính Lâm Đồng nhận định (tại văn bản số 330/STC-GCS ngày 26/2/2024): Sau thời gian vận hành, khai thác, sử dụng, các hồ, đập thủy điện bị bồi lắng làm giảm hiệu xuất hoạt động, giảm dung tích chứa nước của các hồ làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy điện, thủy lợi. Do vậy, công tác nạo vét, chống bồi lắng lòng hồ, đảm bảo an toàn hồ đập, dù có thu được các sản phẩm tận thu như: cát, sỏi, đá, cuội... hay không thì công tác nạo vét vẫn phải thực hiện…
Theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 08/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý, an toàn hồ đập; thì chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước trình cơ quan có thẩm quyền xét, phê duyệt.
Như vậy, công tác nạo vét lồng hồ thủy lợi, thủy điện thuộc trách nhiệm của chủ hồ; do đó, các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công tác nạo vét lòng hồ được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ hồ với các doanh nghiệp thực hiện nạo vét; nhà nước không hỗ trợ kinh phí để chi trả các chi phí.
Đức Tùng
Bình luận