Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 26/08/2024 08:08
TMO - Trồng rau, dưa lưới… trong nhà màng, nhà lưới là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian vừa qua. Mô hình nhà lưới, nhà màng giúp cây nông nghiệp của người dân phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh, gia tăng chất lượng và sản lượng.
Tỉnh Lai Châu địa phương có nền nông nghiệp phát triển, đa dạng về chủng loại cây trồng. Dù có điều kiện thuận lợi về địa hình đất đai bằng phẳng, nhưng giá trị kinh tế của các loại cây trồng sản xuất theo phương thức cũ mang lại hiệu quả kinh tế không cao.
Để người nông dân phát triển và làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Lai Châu đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó địa phương lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới là hướng chủ đạo, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Việc ứng dụng nhà màng, nhà lưới trong trồng cây nông nghiệp được người dân trên địa bàn huyện Tân Uyên tích cực triển khai. Đơn cử như tại hộ gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên, ở khu phố 1, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao..
Từ diện tích hơn 4.000m2 đất dốc bạc màu sản xuất kém hiệu quả, ngay năm 2021 gia đình anh đã được huyện đầu tư xây dựng 1 nhà màng để trồng dưa lưới. Khi thấy hiệu quả của mô hình trồng nhà màng, gia đình anh đã tự đầu tư thêm một nhà màng để phát triển trồng thêm ớt chuông, dưa leo baby và hiện tại anh đang đầu tư trồng thêm nho sữa Nhật. Năm 2022, sản phẩm dưa lưới vàng Tân Uyên của gia đình anh cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đãn giúp gia đình anh Tuyên mỗi năm thu nhập (sau khi trừ chi phí) đạt khoảng 200 triệu đồng.
Canh tác rau, hoa màu trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Đến nay, huyện Tân Uyên đã phát triển được 2,5ha diện tích nhà màng, nhà lưới và phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ phát triển thêm 1,5 ha. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo mô hình nhà lưới, nhà màng như cà chua baby, cà chua socola, dưa lưới, dưa lê, ớt chuông cho năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất thông thường và rất được thị trường ưa chuộng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hiệu quả bước đầu từ ứng dụng mô hình nhà màng, nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân huyện Tân Uyên, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã tạo được sức cạnh tranh trên thị trường,góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Không chỉ ở huyện Tân Uyên, các huyện khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu giờ đây cũng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại huyện Tam Đường, người dân tại xã Bình Lư đã thành lập các hợp tác xã sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap. Mô hình sản xuất gồm nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả, tạo triển vọng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Với tổng diện tích hơn 1,5ha, tổ hợp tác trên địa bàn xã Bình Lư đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 7.000m2, trị giá trên 900 triệu đồng chuyên canh 10 loại rau, củ, quả như bắp cải, cải canh, cải ngọt, cà chua, dưa chuột, su su, đậu đỗ… Hệ thống nhà lưới có mái che, màng bọc xung quanh, cây rau tránh được sự gây hại của côn trùng, sâu, bệnh; hạn chế chất hóa học trong phòng, trừ sâu, bệnh trên cây rau, giảm tính độc hại, bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt tổ hợp tác còn đầu tư hệ thống tưới tự động với các quy trình từ tưới phun sương cho các loại rau ăn lá tới tưới nhỏ giọt cho các loại cây rau ăn củ. Sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, phân cây xanh băm nhỏ, ủ hoai thay thế cho phân hóa học, với hơn 1.000m2 nhà lưới, đã thu hoạch hơn 1 tấn rau, củ quả/tháng, trừ chi phí thu lãi 100 triệu (tăng 30 triệu đồng trên cùng một diện tích đất so với trồng rau thủ công trước đây).
Ưu điểm của nhà màng, nhà lưới là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường. Người chăm sóc dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học, người chăm sóc chỉ cần tuân thủ đúng kỹ thuật thì cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người sản xuất dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học, nên cây trồng đem lại sản lượng và chất lượng đảm bảo.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như sự mạnh dạn trong lựa chọn mô hình hợp nhà lưới, nhà màng trong canh tác nông nghiệp, thời gian tới, loại hình nông nghiệp công nghệ cao này sẽ phát triển hơn nữa, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân tỉnh Lai Châu nói chung, và người dân huyện Tân Uyên, Tam Đường nói riêng. Đồng thời tạo hướng đi mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất, giảm chi phí và giảm những tác động xấu đến môi trường.
Trung Hiếu
Bình luận