Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 17:11
Thứ ba, 05/11/2024 06:11
TMO - Xác định khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đã tập trung ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học hiện đại để thúc đẩy sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo công bố của Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng 9,14% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tích cực (quý I tăng 9,42%, quý II tăng 10,18%, quý III tăng 7,85%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,30%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,56%.
Theo đánh giá từ Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, đây là mức tăng trưởng tương đối ổn định trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đối với riêng ngành nông nghiệp, có được kết quả trên là nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của bà con nông dân.
Đặc biệt, tại huyện Yên Sơn là một trong số những địa phương tiên phong đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Đáng chú ý, vào tháng 10-2024 vừa qua, 4/7 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh là các sản phẩm chủ lực đặc sản, sản phẩm OCOP của huyện Yên Sơn.
Đây là một tín hiệu vui trong việc người dân bước đầu đã nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng. Trước đó, UBND huyện Yên Sơn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp huyện và các đơn vị chức năng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân để có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm chất lượng.
Đồng thời tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giúp người dân chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.
Ứng dụng công nghệ được các Hợp tác xã (HTX) và người dân tích cực triển khai thực hiện. Theo chia sẻ của một số chủ thể HTX trên địa bàn huyện Yên Sơn, các HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, máy sấy công nghiệp, nhà kính, phòng đóng gói. Việc sớm đầu tư hệ thống tưới nước giúp chất dinh dưỡng, nước, phân bón cung cấp đồng đều đến từng gốc cây, tiết kiệm chi phí lao động, không bị lãng phí nguồn nước tưới, đảm bảo việc cung cấp nước chủ động, tăng năng suất cây trồng.
Sử dụng hệ thống tưới nước tự động giúp người dân giảm chi phí, tiết kiệm nước. (Ảnh minh hoạ: BTQ).
Để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe khi đưa sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế, một số HTX trên địa bàn xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã chủ động đầu tư quy trình khép kín chuyên nghiệp trong sản xuất trà ổi túi lọc gồm máy sấy lạnh, máy nghiền, máy trộn, máy đóng trà túi lọc “5 trong 1” giúp định lượng trà, đóng túi lọc, gắn chỉ, đính tem, đóng bao ngoài.
Bên cạnh đó các HTX còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Như các trang Lazada, Shopee; Fb, Zalo, Tiktok, Web cho đến các gian hàng bán hàng truyền thống tại một số địa điểm, cơ sở…
Không chỉ có các HTX, người dân trên địa bàn huyện Yên Sơn cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, sử dụng công nghệ số để bán nông sản của mình. Tiêu biểu như một số người dân ở xã Xuân Vân, người dân đã đầu tư hệ thống giàn tưới tiêu tự động hàng trăm triệu đồng. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp người dân hoàn toàn chủ động được về thời gian, giúp tiết kiệm nước và chi phí. Chỉ cần đóng/mở cầu dao là hệ thống tưới tự động sẽ tưới cho cây vào ban đêm. Công nghệ đã giúp năng suất, sản lượng tăng cao, với mỗi năm cho thu hoạch trên 100 tấn quả, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình khoảng 1 tỷ đồng/1 năm.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp người dân giảm chi phí sản xuất, loại bỏ bớt các khâu trung gian, từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành từ phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng công nghệ số chưa đồng bộ, chi phí cao, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực tiếp cận khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế. Đây chính là một trong những rào cản không nhỏ hạn chế người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp.
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang đã phối hợp với đơn vị doanh nghiệp chào hàng trên 50 sản phẩm chủ lực của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu đều được lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát chặt chẽ về chất lượng.
Cùng với đó, các HTX trên địa bàn huyện Yên Sơn cũng đã bước đầu tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ trong quá trình chế biến. Những nỗ lực này đã giúp nâng cao năng suất, kéo dài thời gian bảo quản, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng đi phát triển xanh, bền vững.
Với những đóng góp của khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp huyện Yên Sơn nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung đã có sự tăng trưởng khá. Thời gian tới, huyện Yên Sơn cần tiếp tục tuyên truyền vận động người dân ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Tập trung thực hiện tốt các mô hình, giải pháp kinh tế có hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu thiết lập các mô hình, giải pháp nâng cao tính thích nghi và hiệu quả của các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, và đặc sản của huyện. Đồng thời chú trọng phát triển, triển khai thực hiện tốt các quy định, chính sách, liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương…/.
Minh Vũ
Bình luận