Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 01/02/2025 21:02
Thứ bảy, 01/02/2025 07:02
TMO - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cao, chuyển đổi xanh trở thành xu hướng đầu tư quan trọng để tỉnh Khánh Hòa hiện thực hóa các mục tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Khánh Hòa có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, nổi bật về tiềm năng du lịch biển đảo với bờ biển kéo dài 385km, gần 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và trên 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, có 3 vịnh biển đẹp (Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh). Các vịnh thuộc tỉnh đều là các điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.
Vịnh Nha Trang với 19 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Hòn Mun có rạn san hô gồm 350 loại, chiếm 40% chủng loại san hô trên thế giới. Hòn Miếu có sinh vật biển lạ, Hòn Tre rộng hơn 3.000 ha có bãi tắm thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam. Nha Trang có thương hiệu toàn cầu về 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới, có tiềm năng lớn trong phát triển các loại hình du lịch: nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô; sinh thái; văn hóa – lịch sử; kết hợp hội nghị triển lãm; sức khỏe; thể thao.
Vịnh Vân Phong là một trong những là vùng vịnh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái hàng đầu châu Á theo đánh giá của nhiều chuyên gia Liên Hợp Quốc và các nhà nghiên cứu đầu tư phát triển. Vịnh Cam Ranh được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ và bình yên, là một trong những điểm đến hấp dẫn du lịch hàng đầu với hàng trăm bãi tắm tự nhiên. Bãi biển dài với làn nước trong xanh và cát trắng mịn tạo nên khung cảnh lý tưởng cho những kỳ nghỉ dưỡng.
Bên cạnh tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Hòa có một số tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo: văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng - sông nước và văn hóa biển đảo. Trải qua thăng trầm của lịch sử, với sự pha trộn văn hóa người Chăm bản địa với lưu dân từ miền Bắc vào cùng với các dân tộc thiểu số khác như Raglai, Ê đê, Gié Trieng, người Hoa…đã để lại cho vùng đất này bản sắc văn hóa rất đặc thù, thể hiện sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm. Các nghề truyền thống với sản phẩm độc đáo như nghề lưới đăng, yến sào, trầm kỳ...; những phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng làng xã, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực, thú tiêu khiển...
Khánh Hòa có 01 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (nghệ thuật bài chòi); 03 di sản phi vật thể quốc gia (lễ hội cầu ngư; lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ bỏ mã của người Raglai); 16 di tích cấp quốc gia; và 175 di tích cấp tỉnh. Trong số, 04 di tích, danh thắng là biển đảo và liên quan tới biển, đó là vịnh Nha Trang; khu danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ, danh thắng Mũi Đôi - Hòn Đầu và di tích Tháp Bà Ponagar.
Du khách tham quan, khám phá Tháp bà Ponagar. Ảnh: TT.
Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên trên, tỉnh Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của vùng và cả nước, đóng góp lớn vào sự phát triển chung và vị thế du lịch của quốc gia. Tính theo doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành, quý 1 năm 2014 tỉnh Khánh Hòa xếp thứ 4 toàn quốc, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Trước tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế trong đó có lĩnh vực du lịch được xem là nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai.
Theo báo cáo của ngành Du lịch địa phương, về tỷ lệ các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh (KHX5), từ năm 2013-2017 một số cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn có áp dụng bộ tiêu chuẩn về nhãn du lịch bền vững bông sen xanh. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn khá thấp (khoảng 12% cơ sở lưu trú).
Tỷ lệ cơ sở kinh doanh du lịch (lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm) phát sinh nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) trở lên có công trình, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc có đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung (KHX6). Khoảng 40% các cơ sở kinh doanh du lịch (lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm) phát sinh nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) trở lên có công trình, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở kinh doanh du lịch được phân loại tại nguồn (KHX7). Hiện nay, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chủ yếu tập trung ở các khách sạn từ 3-5 sao; 15 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn cơ sở phục vụ khách du lịch (khoảng 20-25%). Các cơ sở kinh doanh du lịch khác còn hạn chế thực hiện hoạt động này.
Tỷ lệ cơ sở kinh doanh du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy (KHX8). Hiện tại hoạt động này chủ yếu tập trung ở các khách sạn từ 3-5 sao; 15 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn cơ sở phục vụ khách du lịch (khoảng 20-25%). Các cơ sở kinh doanh du lịch khác còn hạn chế thực hiện hoạt động này. Ngoài ra, tỷ lệ cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo (KHX9). Khoảng 80% các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với việc sử dụng mạng lưới điện quốc gia.
Du lịch tỉnh Khánh Hoà phải đối mặt từ vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa tại biển, đảo; tổ chức phân loại chất thải sinh hoạt tại các cơ sở kinh doanh du lịch thiếu đồng bộ; chưa có đủ phương tiện giúp du khách phân loại rác thải tại nguồn; không có phương tiện thiết bị chuyên dùng phù hợp để vận chuyển rác đã phân loại; bãi chôn lấp không có quy trình phù hợp phục vụ việc phân tách và xử lý chất thải sau khi phân loại; ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động du lịch…
Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa 2024 - 2030” đặt mục tiêu sẽ đưa Khánh Hòa thành đô thị thông minh, bền vững. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các mặt xã hội phát triển hài hòa. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của phát triển du lịch xanh Khánh Hòa là tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội trong khi đảm bảo bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng bền vững. Phát triển du lịch xanh nhằm xây dựng một ngành du lịch phát triển lâu dài và có lợi cho mọi bên liên quan, bao gồm du khách, cộng đồng địa phương và môi trường. Du lịch xanh đảm bảo bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên.
Phát triển du lịch xanh khuyến khích việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên một cách bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực lên hệ sinh thái. Du lịch xanh tạo ra những cơ hội kinh doanh bền vững và công bằng cho cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương, tạo ra việc làm, đẩy mạnh thương mại công bằng và tăng cường sự phát triển kinh tế trong cộng đồng. Du lịch xanh tôn trọng và thúc đẩy bảo tồn văn hóa địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho sự giao lưu văn hóa và sự hiểu biết giữa du khách và cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh cũng đảm bảo sự công bằng và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc quyết định và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Để phát triển du lịch xanh, việc ban hành chính sách ưu tiên phát triển du lịch xanh là bước quan trọng nhằm định hình ngành du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Tỉnh cần ban hành chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh. Chính sách này cũng cần tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các phương pháp vận hành carbon thấp, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và quản lý chất thải hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xanh như các điểm đến xanh, các khách sạn sinh thái, khu nghỉ dưỡng bền vững.
Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh cho lĩnh vực Du lịch, áp dụng để đánh giá và quản lý các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh du lịch, triển khai đánh giá và xếp hạng cơ sở du lịch xanh; đánh giá, triển khai bảo tồn tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn); đánh giá, triển khai bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan du lịch.
Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch xanh bao gồm việc định vị thị trường, khách hàng mục tiêu, bộ nhận diện thương hiệu du lịch xanh nhằm mục tiêu tạo dựng một hình ảnh thương hiệu gắn liền với giá trị cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên, qua đó tạo sự khác biệt rõ ràng so với các địa phương khác. Chiến lược này cần bao gồm việc phát triển các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động thân thiện với môi trường như trồng cây, dọn rác và sử dụng phương tiện di chuyển bền vững. Việc quảng bá mạnh mẽ qua các kênh truyền thông số và truyền thống sẽ giúp nâng cao nhận thức và thu hút khách du lịch quan tâm đến du lịch xanh.
Phát triển hướng tới việc cung cấp các trải nghiệm du lịch bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.
Phát triển các sản phẩm du lịch xanh là nỗ lực hướng tới việc cung cấp các trải nghiệm du lịch bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Các sản phẩm này bao gồm các tour du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng sử dụng năng lượng tái tạo, và các hoạt động giáo dục môi trường như tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, các sản phẩm hàng hóa làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Thông qua việc phát triển sản phẩm du lịch xanh, các doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh thông minh trong lĩnh vực du lịch bao gồm việc sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để tăng cường bền vững môi trường. Chẳng hạn, công nghệ IoT cho phép quản lý hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên nước tại các cơ sở lưu trú, trong khi phần mềm quản lý chất thải giúp giảm lượng rác thải. Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng di động giúp du khách dễ dàng truy cập vào thông tin về các hoạt động du lịch bền vững và đặt các dịch vụ thân thiện với môi trường. Công nghệ xanh không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn nâng cao trải nghiệm du khách, góp phần vào mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng bền vững, chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng trong toàn tỉnh và kết nối liên vùng: Các dự án nâng cấp và phát triển bao gồm cải thiện hệ thống giao thông công cộng, đường đi bộ và đạp xe, cùng với việc triển khai các giải pháp công nghệ cao như hệ thống thông minh và IoT.
Ban hành các tiêu chí/tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đến việc công nhận “Doanh nghiệp du lịch xanh” để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh hướng đến sự phát triển bền vững trong kinh doanh du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường, có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần và các sản phẩm làm từ vật liệu ko tái chế…
Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch xanh là chìa khóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch bền vững. Điều này đòi hỏi việc tập trung vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động trong các lĩnh vực như quản lý môi trường, hoạt động du lịch sinh thái và sử dụng năng lượng tái tạo. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh hay du lịch xanh và bền vững. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; không xả rác bừa bãi, xả rác đúng nơi quy định; hạn chế các sản phẩm dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, túi nylon, ống hút,..); chung tay dọn rác tại khu, điểm du lịch.../.
Thanh Hương
Bình luận