Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Thứ tư, 16/02/2022 17:02
TMO - Nhằm đáp ứng nguyện vọng của du khách thập phương, từ ngày 16/2/2022 (tức 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần), chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức đón khách đến tham quan. Hành trình về với khu thắng cảnh Hương Sơn được xem là hành trình về với miền đất Phật, nơi có phong cảnh non nước hữu tình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam. Quần thể này gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm. Lễ hội chùa Hương truyền thống hàng năm thường kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch luôn được xem là lễ hội có quy mô lớn nhất miền Bắc, thu hút đông đảo khách thập phương.
Không gian kỳ vỹ của chùa Hương nhìn từ trên cao xuống
Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497) và đã trải qua 11 đời Tổ sư. Tuy đã nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá, ném bom nhưng quần thể Hương Sơn luôn được Nhà nước, nhân dân địa phương và du khách thập phương quan tâm tu bổ, sửa chữa. Vì vậy, đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng và đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam.
Danh thắng Hương Sơn được tạo hoá ban tặng những nét độc đáo riêng, có giá trị đặc biệt. Quần thể này được tạo ra bởi hệ thống các núi đá vôi với nhiều hang động được hình thành từ hàng trăm triệu năm, kết nối với nhau bằng dòng chảy quanh co uốn lượn như dải lụa của Suối Yến; có hệ sinh thái động, thực vật phong phú, với trung tâm là cụm đền chùa, hang động - nổi tiếng nhất là động Hương Tích nơi có Chùa Hương.
Hai bên bờ suối Yến là các dãy núi đá vôi như núi Con Gà, núi Mâm Xôi, dãy Voi Phục kỳ vĩ
Các di tích tại quần thể Hương Sơn này chia làm 3 tuyến chính: Tuyến Hương – Thiên bao gồm các đền, chùa, động như Đền Trình Đục Khê, Đền Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, động Hương Tích và chùa Hinh Bồng. Tuyến Long Vân – Hương Đài bao gồm: chùa Thanh Sơn, động Hương Bài, động Long Vân, chùa Cây Khế và hang Sũng Sàm. Tuyến Tuyết Sơn bao gồm Đền Trình Phú Yên, chùa Bảo Đài, chùa Cá và am Phật Tích.
Các chùa trong Quần thể danh thắng Hương Sơn ngoài việc thờ Phật theo phái Đại Thừa, thờ Phật bà Quán Thế Âm còn có điện thờ mẫu gọi là Tam tòa Thánh mẫu. Riêng đền Cửa Võng là nơi thờ Thanh Y công chúa tục xưa còn gọi là Bà chúa Thượng Ngàn húy là Sơn Tinh Triều Mường công chúa Lê Mại đại vương và 12 thị nữa tiên cô.
Đền Trình được bao bọc bởi dãy núi và làn nước trong xanh
Xuôi theo dòng suối Yến, điểm đến đầu tiên của hành trình trẩy hội chùa Hương là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Tiếp đến là chùa Thiên Trù với kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách… Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non.
Chùa Thiên Trù tại quần thể danh thắng Hương Sơn
Từ chùa Thiên Trù rẽ phải là hành trình đến động Hương Tích. Lối lên động quanh co, được phủ trắng bởi hoa đại. Nhìn từ bên ngoài, động như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút. Ngay chính giữa động là hòn thạch nhũ lớn có tên là Đụn gạo. Tưởng như người xưa đã đem những thứ, như: lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, quả bòng trái bưởi, cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… vào hang động để thưởng ngoạn, và cất giữ muôn đời cho con cháu.
Động Hương Tích
Với những giá trị tiêu biểu, quần thể danh thắng Hương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2082/QĐ-Ttg ngày 25/12/2017.
Hoài Dương
Bình luận