Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 20:11
Thứ ba, 05/07/2022 20:07
TMO - Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, Đắk Nông đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư đồng thời tập trung xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch.
Đắk Nông là vùng đất có địa hình đa dạng và phong phú xen kẽ giữa các thung lũng, cao nguyên và núi cao. Với điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt, nhiều tiềm năng về di sản, thắng cảnh, cảnh quan trải đều ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn… tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Du lịch Đắk Nông hiện có 2 điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu vừa được UNESCO công nhận và Khu bảo tồn hồ Tà Đùng với khoảng 25.000 ha được ví như "Hạ Long trên cạn".
Tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông hội tụ đầy đủ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó, hệ thống hơn 50 hang động núi lửa được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, là di sản độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm…
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đang tập trung vào việc phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Đây là những sản phẩm du lịch địa chất có tính độc đáo, riêng biệt, có giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, khảo cổ, đa dạng sinh học, văn hóa đặc trưng, văn hóa truyền thống, ẩm thực truyền thống của dân tộc bản địa
Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã quy hoạch, đầu tư 44 điểm, hình thành 03 tuyến du lịch với các tên gọi " Trường ca của Lửa và Nước", "Bản giao hưởng của làn gió mới" và "Âm vang từ Trái Đất"… nhằm phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Từ ngày 22/11 - 26/11/2022 tại Đắk Nông sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa (ISV) lần thứ 20. Sự kiện này góp phần giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Đồng thời, việc thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của hệ thống hang động, văn hóa người tiền sử và chia sẻ kinh nghiệm sẽ góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông.
Khu bảo tồn hồ Tà Đùng được xem là một trong những hệ sinh thái phong phú nhất Tây Nguyên với nhiều rừng, hồ, suối, động thực vật. Nhằm khai thác tiềm năng và tạo sức hút với du khách, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng với tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Nông vừa mới tổ chức thành công Giải dù lượn Tà Đùng - Đắk Nông, tạo cơ hội quảng bá du lịch tại địa phương. Ảnh: Anh Dũng
Bản quy hoạch đã giúp cho việc định hướng các tour, tuyến, điểm và sản phẩm du lịch trở nên phong phú và đa dạng. Qua đó các khu vui chơi, giải trí trên các hồ, đảo, cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao - mạo hiểm trên mặt nước, du lịch mạo hiểm rừng bảo tồn, du lịch dã ngoại; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng đang từng bước được hình thành để thu hút khách du lịch theo hướng bền vững.
Là địa phương sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như thác Đắk G'lun, thác Đắk Búk So, thác Đ'ray Sáp, thác Gia Long, thác Lưu Ly… và là nơi hội tụ bản sắc văn hóa cộng đồng của hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, Đắk Nông đã khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở những làng dân tộc thiểu số.
Tại Đắk Nông, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc riêng biệt. Trong đó, nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng và sinh động đang được bảo tồn như cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu tre nứa như Mló, M’buốt, Goong reng… Tiêu biểu nhất phải kể đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Hát kể sử thi (Ót N’drong) và dân ca M’nông được công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia…
Đắk Nông triển khai các chương trình, hoạt động quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Min
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã chọn 9 thôn, buôn, bon để thí điểm làm mô hình du lịch cộng đồng, gồm: Bon N'Jriêng, xã Đắk Nia; bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (TP Gia Nghĩa); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (huyện Đắk R'lấp); buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng; Làng văn hóa dân tộc Dao, xã Ea Pô (huyện Cư Jút); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung; thôn Nam Tân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong).
Trong 6 tháng đầu năm, phần lớn các chỉ số của ngành du lịch tỉnh Đắk Nông đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Theo thống kê, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 244.500 lượt khách, tăng 108,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 31.400 lượt khách.
Để du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn cần được đầu tư, khai thác và phát triển, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát triển du lịch và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 5 khu, điểm du lịch được cấp phép và hoạt động có hiệu quả đạt quy mô cấp tỉnh trở lên. Trong đó, ít nhất phải có 1 khu du lịch đạt chuẩn quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông tập trung đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng; Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung; hệ thống thác Len Gun, thác Bảy Tầng, thác Gấu; hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, trong đó có đầu tư hạ tầng du lịch, hỗ trợ cơ sở lưu trú, du lịch cộng đồng... Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên rà soát, bổ sung và ban hành các danh mục dự án kêu gọi đầu tư để làm cơ sở kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có đủ tiềm lực vào đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mai Liên
Bình luận