Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ năm, 07/07/2022 11:07
TMO - Nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch hành động tiến tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Ninh Thuận thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Với điều kiện khí hậu đặc thù nhiều nắng, gió, cùng lượng mưa trong năm thấp nhất cả nước, đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m). Đặc biệt, trên địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện.
Tỉnh Ninh Thuận khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên trong phát triển nguồn năng lượng điện gió
Các số liệu quan trắc đã cho thấy tại Ninh Thuận, số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Số tháng nắng trong năm là 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy, đây là địa phương được đánh giá có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Với những lợi thế ở trên, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 2874/KH-UBND ngày 3/7/2022 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo: đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thụ đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh.
Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, phấn đấu hình thành 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện nhằm tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, quỹ đất và hạ tầng giao thông.
Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của Ninh Thuận. Đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, tài nguyên đất, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối cao với lưới điện khu vực, quốc gia; chất lượng nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ và năng lực quản lý đạt trình độ tiên tiến.
Tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TNG
Để triển khai hiệu quả kế hoạch trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tỉnh sẽ tham mưu kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế chính sách giá điện và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án năng lượng tái tạo làm cơ sở kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển cấu trúc, mô hình trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo gồm 2 phần: phần cứng gồm 3 mô đun: là Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (R&D); phần mềm - hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; thành lập Ban chỉ đạo nhằm chỉ đạo, thúc đẩy phát triển bền vững Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh.
Tỉnh cũng tiến hành rà soát các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được các cấp phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực tỉnh đủ điều kiện triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và danh mục dự kiến giai đoạn 2026 – 2030. Phát triển hệ thống tiêu thụ năng lượng tại chỗ và hạ tầng truyền tải kết nối khu vực giải tỏa công suất; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai rà soát, cập nhật và đề nghị tích hợp các nguồn năng lượng vào quy hoạch kể cả đề xuất đầu tư lưới điện truyền tải phù hợp; nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo...
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp triển khai rà soát, tham mưu điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước; tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh đó, Sở TN&MT chủ trì tham mưu ban hành giá đất kịp thời phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đức Hải
Bình luận