Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 18:11
Thứ hai, 11/04/2022 11:04
TMO - Cao Bằng là một trong những địa phương tại khu vực miền núi phía Bắc có tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng tương đối lớn. Đây được coi là lợi thế để tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội cũng như nâng cao chất lượng môi trường tại địa phương.
Trên địa bàn của tỉnh có khoảng 199 mỏ và điểm mỏ, khai thác nhiều loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác ở các huyện và thành phố Cao Bằng. Trong các loại khoáng sản khai thác, quặng sắt có trữ lượng từ 50 - 70 triệu tấn, quặng Mangan khoảng 6 - 7 triệu tấn, quặng Bauxit nhôm 200 triệu tấn. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản quí như: vàng, thiếc, vôn-fram, chì, kẽm, u ran, ang-ti-mon... có tiềm năng khá, giá trị kinh tế cao đã và đang được khai thác.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Ngừng cấp phép đầu tư thêm dự án chế biến sâu khoáng sản sắt và mangan, không xem xét điều chỉnh tăng quy mô công suất các dự án đã được cấp phép đầu tư xây dựng; rà soát điều chỉnh, sắp xếp lại các dự án khai thác theo hướng tập trung. Thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản tỉnh Cao Bằng để từng bước quản lý hoạt động khoáng sản trên cơ sở dữ liệu số.
Tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Tỉnh cũng đề nghị Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho phép mở một số đề tài điều tra đánh giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh để làm rõ tiềm năng khoáng sản phục vụ công tác quản lý, cấp phép. Yêu cầu, các đơn vị được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải chủ động thăm dò bổ sung, nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong khu vực được cấp phép khai thác và điều chỉnh thiết kế, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để khai thác đạt công suất cấp phép.
Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc công nhận kết quả chuyển đổi tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn cụ thể biện pháp quản lý đối với loại hình khai thác, sử dụng đất san lấp khi san gạt…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tổng số mỏ có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực trên địa bàn gồm: 33 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; 14 mỏ khoáng sản và tận thu khoáng sản.Trong đó, có 27/33 mỏ khoảng sản vật liệu xây dựng thông thường lắp camera. Hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường chưa lắp đặt trạm cân.
Tại các mỏ có trữ lượng khai thác lớn, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các đơn vị thực hiện lắp đặt camera và trạm cân để kiểm soát lượng khai thác
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong khai thác, sử dụng khoáng sản, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính của các chủ Giấy phép khai thác khoáng sản. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố lập Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trình Sở TN&MT tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt; phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án điều tra, đánh giá, thăm dò bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc lập, thi công thêm các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản đối với nhiều loại khoáng sản nhằm làm rõ tiềm năng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản còn lại trên địa bàn tỉnh.
Kiên quyết thu hồi những dự án chế biến sâu chậm triển khai đầu tư, có công nghệ lạc hậu, sản xuất không liên tục, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm căn cứ yêu cầu các chủ đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến để thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản phụ đi kèm tại các mỏ.
Đồng thời, tỉnh chú trọng đến việc nâng cao chất lượng lập, thẩm định hồ sơ xin khai thác khoáng sản và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác khoáng sản để tăng cường tiêu chí đảm bảo cảnh quan, môi trường, đảm bảo việc xây dựng, phát triển bền vững của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Mai Nguyễn
Bình luận