Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 11/07/2024 14:07
TMO - Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách quốc tế đến Bình Thuận tăng mạnh. Để thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế, ngành Du lịch Bình Thuận đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận ước đạt 4,58 triệu lượt (tăng 5,01% so với cùng kỳ 2023); trong đó khách quốc tế ước đạt 234 nghìn lượt (tăng 91,25% so với cùng kỳ 2023). Chỉ tính riêng trong tháng 6, tháng cao điểm du lịch hè, Bình Thuận đón trên 856 nghìn lượt du khách, tăng 9,63% so tháng trước đó và tăng 5,59% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng lượng khách quốc tế trong tháng này ước đạt 38.600 lượt khách, tăng gần 23% so tháng trước và tăng 3,49 lần so cùng kỳ năm 2023.
Trước đây, thị trường khách quốc tế đến Bình Thuận chủ yếu là Nga, Ukraine thì nay du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Hoa Kỳ… chiếm tỷ trọng lớn. Lượng khách quốc tế lưu trú đa số tập trung tại khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành thuộc thành phố Phan Thiết.
Thời điểm này, Bình Thuận đang trong cao điểm mùa du lịch nội địa- du lịch hè và thấp điểm du lịch quốc tế. Nhưng trong tháng 6/2024 vẫn ghi nhận lượng khách quốc tế đến địa phương ước đạt 38.000 lượt, tăng 22% so với tháng trước. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ là nhờ vào chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử. Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu, đặc sắc, hấp dẫn và các chương trình kích cầu để thu hút khách quốc tế phát huy hiệu quả.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách quốc tế đến Bình Thuận tăng mạnh.
Thực hiện “Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận tầm nhìn đến năm 2030”, ngành du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với khai thác giá trị di sản văn hóa, di tích và làng nghề, văn hóa ẩm thực bản địa đặc sắc… Cùng với đó, Bình Thuận đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong hoạt động du lịch, tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; duy trì, vận hành và cập nhật dữ liệu trên cổng thông tin du lịch thông minh…
Đa dạng các sản phẩm du lịch không chỉ thu hút du khách mà còn tạo nền tảng cho tỉnh Bình Thuận phát triển du lịch bền vững và thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế. Để thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế, ngành Du lịch Bình Thuận đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng các sản phẩm, loại hình thế mạnh như nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Bình Thuận không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đây còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc gắn với nền văn hóa lâu đời của đất và người Bình Thuận. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Tính đến nay, Bình Thuận có 3 làng nghề đang hoạt động được UBND tỉnh công nhận, gồm làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) và làng nghề gốm gọ Bình Đức (huyện Bắc Bình). Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của du khách, ngành du lịch Bình Thuận, các công ty lữ hành đã xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề tăng tính trải nghiệm cho du khách, trong đó hướng đến các tour trải nghiệm đời sống, cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa, thưởng thức đặc sản địa phương.
Ngành Du lịch tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời làm mới, đa dạng các sản phẩm du lịch. Ảnh: HH.
Ngành du lịch tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh nhằm phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng-thác-hồ-biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe,… Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số... Năm 2025, thành phố Phan Thiết sẽ thực hiện thí điểm kinh tế đêm tại một số tuyến đường ven biển.
Bình Thuận cũng đẩy mạnh thực hiện đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng các sản phẩm mới như: Tham quan Đa Mi-Hàm Thuận với bốn thác lớn là Sương Mù, Chín Tầng, Mây Bay, Thác Bà và gần chục thác nhỏ; chinh phục "khám phá rừng" Tà Năng-Phan Dũng...
Tỉnh đã tăng cường thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm, có thương hiệu nổi tiếng, tâm huyết để triển khai các dự án lớn, các khu, tổ hợp du lịch, khu vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch kết hợp hội họp, huấn luyện, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, khám phá, văn hóa tâm linh, sinh thái, du lịch nông nghiệp,… gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhằm thu hút du khách đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn.
Lê Hiếu
Bình luận