Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ sáu, 27/01/2023 07:01
TMO - Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời tiết thuận lợi với nhiều điểm đến hấp dẫn tại các địa phương trên cả nước đã thu hút đông đảo khách du lịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 21/1 - 26/1, tức 30/12/2022 - 5/1/2023 âm lịch) đã có trên 330.000 lượt khách du lịch đến Hà Nội. Trong đó, có 32.000 lượt khách du lịch quốc tế và 300.000 lượt khách du lịch nội địa (chủ yếu là người dân Thủ đô đi du Xuân đầu năm). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Tính trong 5 ngày nghỉ Tết, công suất bình quân sử dụng buồng phòng khối khách sạn 1-5 đạt khoảng 40%, lượng khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Thái Lan, Pháp….
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, từ ngày 29 đến mùng 5 Tết, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đón gần 400.000 lượt khách, trong đó có gần 30.000 lượt khách quốc tế. Con số ấn tượng về lượng du khách đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi cho du lịch Ninh Bình trong năm mới. Dịp Tết, khách tập trung đông tại một số khu, điểm tiêu biểu như: Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính; khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa Lư, vườn chim Thung Nham, Hang Múa, nhà thờ đá Phát Diệm, Phố cổ Hoa Lư.
Bình quân dịp nghỉ Tết, Ninh Bình đón từ 45.000 khách/ngày đến trên 110.000 khách/ngày. Công suất phòng bình quân đạt từ 60 đến 65%, đặc biệt trong 2 ngày cuối dịp nghỉ Tết, công suất đạt phòng đạt từ từ 75 đến 80%. Doanh thu du lịch ước đạt trên 550 tỷ đồng, gồm doanh thu danh lam, doanh thu lưu trú, doanh thu nhà hàng, doanh thu vận chuyển, mua sắm quà tặng và doanh thu khác.
Tỉnh Ninh Bình ước đón gần 400.000 lượt khách, trong đó có gần 30.000 lượt khách quốc tế trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: LH
Tại Quảng Ninh, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 660.000 lượt khách du lịch. Đáng chú ý, lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6-8 lần so với ngày thường. Trong đó, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đón khoảng 145.000 lượt khách; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 56.000 lượt khách; chùa Lôi Âm, Đức Ông, Long Tiên (TP Hạ Long) đón trên 8.500 lượt khách; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (Quảng Yên) đón gần 28.300 lượt khách. Lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6-8 lần so với ngày thường.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 19-29/1 (tức 28 tháng Chạp Nhâm Dần đến mồng 8 Tết Quý Mão), ước khoảng 85.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích và điểm du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, tăng 46% so với năm trước. Tổng lượt khách lưu trú tại Huế những ngày này ước khoảng 50.800 lượt khách, tăng 150% so với năm 2022. Trong đó, du khách quốc tế ước đạt 21.600 lượt, khách nội địa ước đạt 29.200 lượt; công suất sử dụng phòng ước đạt 52%; doanh thu lưu trú ước khoảng 106 tỷ đồng.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, từ ngày 22/1 – 26/1/2023 (mùng 1 – mùng 5 Tết), có 94.920 lượt khách đến Phú Yên tham quan, du lịch; tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 62%. Riêng tại các khách sạn có quy mô lớn và các khách sạn gần biển, công suất phòng vào ngày mùng 4 Tết đạt khoảng 95 - 100%. Doanh thu hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đạt 132,8 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu lưu trú đạt 29,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thống kê tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Ghềnh Đá Đĩa, Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh thắng Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh, từ ngày 22/1 - 26/1/2023 (mùng 1 đến mùng 5 Tết) đã đón khoảng 56.882 lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 40.042 du khách ngoài tỉnh.
Các bãi biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút đông đảo du khách trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: TA
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ mùng 1 đến hết Mùng 5 Tết, tổng lượt khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đạt gần 670 ngàn lượt, tăng 59% so với cùng kỳ (Tết Nguyên đán năm 2022 toàn tỉnh đón 419.735 lượt khách). Trong đó, khách lưu trú gần 157 ngàn, khách quốc tế 10.688 lượt. Doanh thu du lịch dịch vụ đạt 538,3 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ (Tết Nguyên đán năm 2022 đạt 358 tỷ đồng). Tỷ lệ đặt phòng tại TP. Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ đạt 85%-90%, riêng phân khúc từ 3 sao trở lên đạt trên 90%.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, lượng khách tham quan tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh từ ngày 28 Tết đến mùng 4 Tết đạt hơn 500 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ năm 2022. Một số điểm tham quan có lượng khách tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước như: Khu du lịch Núi Sam đạt 105.000 lượt, tăng 8.000 lượt; Khu du lịch Núi Cấm 87.000 lượt, tăng 16.000 lượt; điểm du lịch Đồi Tức Dụp 30.000 lượt, tăng 8.000 lượt, các điểm tham quan Cù lao Giêng là 9.000 lượt, tăng 5.000 lượt, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn có 93.000 lượt, tăng 23.000 lượt.
Theo thống kê, tổng lượt khách lữ hành trong dịp Tết Quý Mão 2023 là 1.333 lượt khách (trong đó khách nội địa và khách đi du lịch nước ngoài là 1.260 lượt, khách quốc tế là 73 lượt); khách lưu trú từ ngày 19-25/1 (28 Tết đến mùng 4 Tết) ước khoảng 5.400 lượt khách, tăng 7,3% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 396 lượt.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, số lượng người đến tham quan ở thành phố tăng vượt bậc. Cụ thể, từ 20/1 (29 Tết) đến 26/1 (mùng 5 Tết), ước tổng số khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đạt khoảng 370.000 lượt, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022. Các cơ sở lưu trú ước phục vụ khoảng 95.000 lượt khách, tăng 265% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước khoảng 2.900 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 250% so với năm 2022.
Lượng khách du lịch đến TP Cần Thơ trong những ngày đầu xuân năm mới tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh YP
Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt.
Hoàn thành việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sau khi tổ chức lại mô hình Tổng cục Du lịch. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào Quý 1/2023; Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Vương quốc Anh; Tổ chức truyền thông Du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn. Phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm: ASEAN, Đông Bắc Á, Úc, châu Âu, Bắc Mỹ. Phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”...
PV
Bình luận