Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 03/01/2024 14:01
TMO - Với lượng khách tăng mạnh ở các địa phương trong dịp Tết Dương lịch, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu ấn tượng trong năm 2024.
Dịp Tết Dương lịch năm 2024, nhiều địa phương trong cả nước đã ra mắt hàng loạt chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch. Theo đó, trong dịp này lượng khách nội địa và quốc tế tăng vọt so với cùng kỳ. Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024 (từ 30/12/2023 đến 1/1/2024), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt gần 50%, một số trung tâm du lịch lớn ghi nhận công suất vào khoảng 70%. Lượng khách và tổng thu từ du lịch tại các địa phương trên cả nước đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá. Hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp.
Du khách đến tham quan Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: QH.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023 đến ngày 01/01/2024), ước tính lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 402.000 lượt; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 72.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 330.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính 3 ngày nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn tại Hà Nội ước đạt khoảng 60% (trong đó khách nội địa ước đạt khoảng 35,3%; khách quốc tế đạt khoảng 24,7%); tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, lượng khách và sức mua tăng cao, ước tính doanh thu tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chương trình trải nghiệm đêm với chủ đề "Tinh hoa đạo học". Công viên Thống Nhất tổ chức lễ hội "Miền hoa" với nhiều loại hoa độc đáo khoe sắc. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chuỗi hoạt động "Chợ phiên - Chào năm mới 2024". Những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội: làng sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch Phù Đổng, khu du lịch Nhật Tân, hồ Tây… cũng đón đông đảo khách tham quan.
Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho thấy, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, toàn tỉnh đón 312.964 lượt khách, tăng 21,2% so với dịp này năm 2023; trong đó có 29.448 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 147,4%. Doanh thu đạt 420 tỷ đồng, tăng 10,52%. Một số điểm đón lượng lớn du khách, tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, Quần thể Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, khu phố cổ Hoa Lư, vườn chim Thung Nham... Đặc biệt dịp Tết Dương lịch năm nay, các điểm du lịch như chùa Bái Đính, phố cổ Hoa Lư, vườn chim Thung Nham, quảng Trường Đinh Tiên Hoàng Đế... đón gần 120.000 lượt khách về đêm.
Nhiều khách du lịch đặc biệt ấn tượng với các hoạt động được tổ chức phục vụ du khách và nhân dân trong dịp này như: Chương trình Di sản Văn hóa Bắc Bộ-Trung Bộ và bế mạc Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023 - đón chào Năm mới 2024 tại Khu Du lịch Sinh thái Thung Nham; Chương trình Phố cổ Countdown 2024 và bắn pháo hoa tại khu Phố cổ Hoa Lư; Triển lãm xúc tiến thương mại Doanh nghiệp Trẻ Ninh Bình lần thứ II năm 2023... thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng thức.
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 3 ngày (30/12/2023-1/1/2024), Quảng Ninh đã đón tổng số 170.000 lượt khách du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, khách nội địa ước đạt 128.840 lượt, khách quốc tế ước đạt 41.160 lượt. Khách lưu trú ước đạt 56.800 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 340 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong dịp nghỉ lễ này, Quảng Ninh ghi nhận lượng khách quốc tế quay trở lại và tăng cao, ước đạt 41.160 lượt. Thị trường khách quốc tế chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Úc, Ý, Pháp, Anh…
Tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dịp Tết Dương lịch 2024 tăng 130% so với cùng kỳ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh dịp Tết Dương lịch 2024 ước đạt 103.000 lượt khách, tăng 130% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 91.000 lượt, tăng 169%, khách nội địa ước đạt 12.000 lượt, tăng 10%. Tại TP. Hội An, công suất sử dụng phòng đối với khách sạn 4-5 sao đạt khoảng 80-90% tại các khu vực gần và trong khu phố cổ, riêng các cơ sở lưu trú xa khu trung tâm và gần biển thì công suất thấp và không cao.
Dịp này, tỉnh Bình Thuận đón khoảng 105.000 lượt khách. Các cơ sở lưu trú du lịch đạt từ 60 - 65% công suất phòng, tập trung tại các cơ sở 4 - 5 sao và tương đương, cao điểm là ngày 31/12/2023. Lượng khách tập trung phần lớn ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành.... Doanh thu từ du lịch khoảng 230 tỷ đồng. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng số khách tham quan du lịch, giải trí, lưu trú tại các khách sạn, khu du lịch, bãi tắm trên địa bàn khoảng 209.020 lượt khách, tăng hơn 43% so với cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú 35.216 người (tăng gần 25% so với cùng kỳ), khách quốc tế là 9.018 người (tăng 55% so với cùng kỳ). Doanh thu đạt khoảng 170,5 tỷ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Sở Du lịch TP.HCM: Dịp Tết Dương lịch năm 2024, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn Thành phố ước đạt khoảng 1,65 triệu lượt, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 225.700 lượt (tăng 5%); công suất phòng ước đạt khoảng 87% (tăng 2%); khách quốc tế đến TP.HCM ước khoảng 46.000 lượt (tăng 86,1%). Tổng doanh thu ngành du lịch dịp này ước đạt khoảng 6.400 tỷ đồng (tăng 7,7%).
Khách du lịch nước ngoài đến Thành phố tăng cao, đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp đến từ Mỹ, Úc, Nhật, Châu Âu... Để phục vụ khách du lịch, trong dịp Tết Dương lịch 2024, các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM đã triển khai trên 100 sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương như các tour liên kết các địa phương lân cận, các sản phẩm tour truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các chương trình rèn luyện sức khỏe, vận động thể thao, thiền, spa…
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai các sản phẩm mới về du lịch đường thủy, du lịch về đêm như chương trình thưởng ngoạn sông Sài Gòn bằng buýt sông 2 tầng, ngắm thành phố về đêm trên xe buýt mui trần 2 tầng… Đồng thời Sở Du lịch còn phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Cần Giờ tổ chức công bố điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2.
TP.HCM đưa vào hoạt động buýt sông 2 tầng để phục vụ du khách dịp Tết Dương lịch 2024. Ảnh: HT.
Dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024, người lao động được nghỉ ba ngày liên tục nên lượng khách du lịch đến Tiền Giang tăng mạnh. Các điểm du lịch trong tỉnh Tiền Giang như bãi biển Gò Công (huyện Gò Công Đông), trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện cái Bè), Cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), Cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vui chơi.
Từ ngày 30/12/2023 đến 1/1/2024, lượng khách tham quan tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, Tiền Giang đón 39.980 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 142,3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó có 7.480 lượt khách quốc tế). Doanh thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 22 tỷ đồng, tăng 184,5%. Công suất sử dụng phòng nghỉ khách sạn đạt 65-70%.
Việc triển khai Nghị quyết số 127/NQ-CP và Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp.
Nguồn khách quốc tế đến chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh ước đón 46.500 lượt khách quốc tế, tăng 86,1% so với cùng kỳ 2023; Lào Cai ước đón 20.500 lượt; Đà Nẵng ước đón 434 chuyến bay quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023; Khánh Hòa ước đón 169 chuyến bay quốc tế với khoảng 31.000 hành khách; Quảng Ninh đón 2 siêu du thuyền với 3.700 khách quốc tế trong ngày 31/12/2023 và 1/1/2024…
Trong kỳ nghỉ năm nay, khách đi tour outbound (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) đang chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa. Lượng tour khởi hành và điểm đến khá đa dạng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Đặc biệt, hình thức du lịch trong ngày qua các cửa khẩu, khu vực giáp biên giới được lựa chọn nhiều. Các tour, tuyến Đông Nam Á phổ thông như: Thái Lan, Singapore - Malaysia,... chiếm ưu thế về giá và được du khách Việt quan tâm lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm,… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú. Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ năm nay là nhiều địa phương đã thử nghiệm và đưa sản phẩm du lịch đêm vào phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch gắn với nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc được tập trung đầu tư và là điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024. Ngoài ra, nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa với các tour vùng cao đặc sắc của du khách cũng tăng, đặc biệt là đối với nhóm du khách khu vực miền Trung, miền Nam. Các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gần nhà cũng được đông đảo du khách ưu tiên lựa chọn...
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Minh Phương
Bình luận