Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ bảy, 28/10/2023 07:10
TMO - Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phối hợp chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế, vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tháng 12/2022, Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) đã được Việt Nam và các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Đức, Pháp, Italy, Canada, Đan Mạch và Na Uy công bố trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Bỉ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0. Thông qua JETP, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong số đó, 7,75 tỷ USD do IPG huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Đại diện các định chế tài chính quốc tế thuộc Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết để triển khai thực hiện JETP, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban. Ban Thư ký JETP đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực. Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện JETP tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg, thiết lập cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện Tuyên bố JETP.
Đề án đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông, nâng cao nhận thức; thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP là vấn đề mới, vừa là vấn đề chính trị, ngoại giao và kinh tế vừa là mối quan hệ đối tác toàn cầu với mục tiêu chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, chuyển đổi công nghệ theo hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển kinh tế carbon thấp.
Thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện sinh khối, điện gió ngoài khơi…
Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, thể hiện mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, vừa đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, vừa đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tới các nguồn năng lượng với giá hợp lý đối với đại bộ phận người dân Việt Nam. Kế hoạch huy động nguồn lực là tài liệu mở, luôn được điều chỉnh, cập nhật và có sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ TN&MT, Ban Thư ký JETP đã tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn, làm việc thảo luận chuyên sâu với các cơ quan, tổ chức có liên quan gồm các bộ, ngành, nhóm đối tác quốc tế, liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các đối tác phát triển, các tập đoàn, ngân hàng, đại diện nhóm đối tượng chịu tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng. Qua các đợt tham vấn, đến nay đã có gần 500 ý kiến góp ý của các bên gửi đến Ban Thư ký JETP để hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực.
Trong dự thảo mới nhất, Kế hoạch huy động nguồn lực tổng hợp 5 nhóm dự án đầu tư và 3 nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật. Danh mục được rà soát từ nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt; nhu cầu xây dựng chính sách của các bộ, ngành trong thời gian tới để chuyển đổi năng lượng công bằng và đề xuất bổ sung của IPG, GFANZ và các bên có liên quan. Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025 gồm các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định nhưng chưa huy động được vốn hoặc chưa được cấp đủ vốn được ưu tiên xem xét cấp vốn để thực hiện.
Trên cơ sở nhu cầu xây dựng chính sách của các bộ, ngành trong thời gian tới và đề xuất của IPG, GFANZ và các bên có liên quan, dự thảo đưa ra danh mục các hành động chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng trong giai đoạn 2024-2028, phân loại theo 8 nhóm nhiệm vụ và mức độ ưu tiên cần triển khai từ nay đến năm 2028. Nguồn hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ JETP được sử dụng ưu tiên để xây dựng và thực hiện các hành động chính sách này.
Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đề xuất cần kêu gọi chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh lồng ghép các ưu tiên JETP vào các chiến lược, kế hoạch để triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng cần xác định nhu cầu và dành kinh phí để thực hiện các đánh giá và hành động cần thiết về các khía cạnh công bằng.
Đỗ Hương
Bình luận