Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ tư, 17/07/2024 14:07
TMO - Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước vào năm 2030; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.
Hưng Yên có nhiều ưu thế: vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; môi trường đầu tư thuận lợi, có nhiều khu công nghiệp được Thủ tướng chấp thuận quy hoạch; nhân lực dồi dào, có tay nghề…; nhất là có quỹ đất sạch được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt đáp ứng cho các nhà đầu tư lớn; có hệ thống giao thông hiện đại giúp việc đi lại lưu thông hàng hóa đến các đô thị lớn và cảng biển, sân bay, cửa khẩu rất thuận lợi.
Địa phương này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ: Cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên đã triển khai Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch toàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp.
Trong đó, tỉnh Hưng Yên tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo, ưu tiên phát triển các sản phẩm ô tô, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế; điện tử tin học, ưu tiên phát triển các sản phẩm: thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 KCN diện tích hơn 4.395ha; trong đó, 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.873ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 398 triệu USD. Tỉnh Hưng Yên có 26 CCN được thành lập với tổng diện tích 1.256ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.408 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thưc hiện công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Trong thời gian qua, môi trường đầu tư của Hưng Yên đã được cải thiện đáng kể. Các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Hưng Yên đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Các quốc gia có nhiều dự án và vốn đầu tư lớn là Nhật Bản (176 dự án, vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký), Hàn Quốc (154 dự án, vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88%), Trung Quốc (151 dự án, vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52%...).
Tỉnh Hưng Yên tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo, ưu tiên phát triển các sản phẩm ô tô, máy móc thiết bị.
Những năm qua, Hưng Yên luôn nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, về cải cách hành chính, Chỉ số PCI của tỉnh đứng ở thứ hạng 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc và tăng 1,18 điểm so với năm 2022). Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng ở vị trí 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc và 8,82 điểm so với năm 2022)...
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước. Tỉnh phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy, đời sống nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch toàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới) với tổng diện tích khoảng 9.589 ha. Sau năm 2030, quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích khoảng 2.460 ha. Việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ và các quy định pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn; ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy. Cùng với đó, kết hợp phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; ưu tiên thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như: công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số (sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông, chíp bán dẫn, sản phẩm quang học, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số;...); công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, phụ tùng, linh kiện...); công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới...
Thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, tập trung hoàn thiện các hồ sơ thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư những khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh có lợi thế cạnh tranh.
Lê Hương
Bình luận