Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 04/05/2025 00:05
Thứ sáu, 02/05/2025 10:05
TMO - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
TP. HCM là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp, Long An có 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.
Một số địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế. Trước đó, theo danh sách Bộ Công Thương công bố, tính đến ngày 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Số liệu của Cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm đến 20,18%.
Trong quý đầu năm 2025, thị trường Philippines đứng đầu, chiếm 42,7% trong tổng lượng và chiếm 40,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 985.941 tấn, tương đương gần 488,77 triệu USD, giá 495,74 USD/tấn, giảm 2,52% về lượng, giảm 24,69% về kim ngạch và giảm 22,74% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Bờ Biển Ngà đứng thứ 2, đạt 293.296 tấn, tương đương 143,49 triệu USD, giá 489,25 USD/tấn, chiếm 12,7% trong tổng lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng rất mạnh 218% về lượng, tăng 138,39% kim ngạch, nhưng giảm 25% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Trung Quốc đứng thứ 3 với 232.136 tấn, tương đương 115,69 triệu USD, giá trung bình 498,35 USD/tấn, chiếm 10,1% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 184,31% về lượng, tăng 140% kim ngạch nhưng giảm 15,56% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo (Ảnh: HĐ).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong tháng 3, giá gạo tuy có giảm so với trước đây nhưng xuất khẩu gạo vẫn tăng về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2025. Lũy kế 3 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,3 triệu tấn, thu về gần 1,21 tỷ USD. Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 23% về giá trị so với năm 2023.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Ngay từ 1/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng hơn về xuất khẩu gạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước; đồng thời nâng cao giá trị, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo và thúc đẩy xúc tiến thương mại. Cụ thể, Nghị định nêu rõ, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hằng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại gạo, bảo đảm tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo.
Ngoài các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, năm 2025 sẽ tập trung vào việc khai thác thị trường đang gia tăng nhu cầu như khu vực Trung Đông, khu vực Bắc Âu, đồng thời có các giải pháp mới để khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc vốn bị sụt giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo khá nhiều trong năm 2024.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong việc đưa mặt hàng gạo của Việt Nam vào các chuỗi phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ tại các quốc gia nhập khẩu nhằm quảng bá, tăng cường sự nhận diện của khách hàng về sản phẩm gạo Việt Nam.../.
Bùi Nam
Bình luận