Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ sáu, 26/04/2024 14:04
TMO - Tỉnh Bắc Giang sẽ đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, qua đó tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh Bắc Giang sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm TP.Hà Nội và sân bay Nội Bài khoảng 50km; liền kề “tam giác kinh tế phát triển” của 3 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – TP.HCM – Mộc Bài. Để phát triển kinh tế, Bắc Giang xác định, mạng lưới kết cấu cơ sở hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông kết nối.
Giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh thực hiện khoảng 70 dự án lớn về giao thông, với gần 20 dự án trọng điểm, như: Dự án cầu Hà Bắc 2 nối tuyến nhánh 2, đường vành đai IV (nay là đường tỉnh 398) với Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong và quốc lộ (QL)18 (Bắc Ninh); dự án đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên); các dự án xây mới cầu Đồng Việt, mở rộng cầu Như Nguyệt; cải tạo nâng cấp đường từ Bố Hạ đi Hữu Lũng (Lạng Sơn)…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là hơn 52 nghìn tỷ đồng. Theo tiến độ thực hiện, đến nay, hạ tầng khung giao thông kết nối đối ngoại với các tỉnh, thành phố lân cận (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Ninh và TP.Hà Nội), kết nối liên vùng, các khu, cụm công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện, nhiều dự án đã hoàn thành, khai thác hiệu quả.
Những năm gần đây, Bắc Giang cũng đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trở thành một địa phương phát triển công nghiệp lớn mạnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó quy hoạch để ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Đặc biệt, quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Giang sẽ có 29 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 7.000 ha. Đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã chủ trì lập, hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch 20/29 KCN (trong đó có 8 KCN đang hoạt động), tổng diện tích gần 4.600 ha, từ đó thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Bắc Giang cũng đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trở thành một địa phương phát triển công nghiệp lớn mạnh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Nếu như năm 2004 sản xuất công nghiệp của Bắc Giang chỉ chiếm 7,4% thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã đạt 47% và năm 2023 là 59%. Hiện, các KCN của Bắc Giang thu hút 488 dự án đầu tư, trong đó có 373 dự án FDI, 115 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI); tổng vốn đầu tư quy đổi đạt 10,6 tỷ USD.
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn, Tổ công tác triển khai thực hiện các KCN thành lập giai đoạn 2022-2025 cho biết: Các KCN Quang Châu mở rộng; Hòa Phú, Việt Hàn giai đoạn hiện hữu và khu công nghiệp Tân Hưng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch.
Trong đó, KCN Việt Hàn, KCN Tân Hưng đã thực hiện hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng, việc đầu tư xây dựng hạ tầng được thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, sớm đưa KCN vào hoạt động. Bên cạnh đó, các KCN Việt Hàn, Quang Châu mở rộng, Tân Hưng đã thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy, một số nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện một số KCN còn phát sinh khó khăn, vướng mắc như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số KCN còn chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng còn tồn tại một số diện tích vướng mắc về GPMB. Tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN cơ bản đều chậm so với kế hoạch đề ra. Tiến độ chuẩn bị thủ tục pháp lý và đầu tư xây dựng hệ thống đường dây, Trạm biến áp 110KV KCN Yên Lư và KCN Tân Hưng còn chậm. Việc triển khai các thủ tục đầu tư của 2 KCN: Yên Sơn - Bắc Lũng, Tiên Sơn - Ninh Sơn còn chậm theo kế hoạch.
Công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng lưới điện cho phát triển các KCN cần được đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thời gian qua, hoạt động của các khu, cụm công nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục phát triển khu, cụm công nghiệp, có mặt bằng thu hút đầu tư thời gian tới, đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án còn một số tồn tại, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, rà soát giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng. Tập trung tháo gỡ tồn tại, đẩy nhanh các tiến độ thi công các hạng mục sớm có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Cùng với đó, bám sát quy định của Luật Đất đai, tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết những tồn tại, hạn chế. Đối với một số dự án còn chậm, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh, địa phương đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư KCN tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng KCN trên diện tích đất đã được giao, thu hút lấp đầy diện tích KCN.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương, Điện lực tỉnh làm việc đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng lưới điện. Đối với các dự án điện, đề nghị Sở Công Thương tiếp tục bám sát từng dự án Trạm biến áp 220KV, 110KV, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, chủ động tháo gỡ, đảm bảo tiến độ thu hút đầu tư đối với các KCN.
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh tập trung hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN. Sở Xây dựng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN theo tiến độ đề ra. Ngoài ra, đối với việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương các KCN mới, mở rộng, Ban Quản lý các KCN tỉnh bám sát tiến độ dự án; phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới, phía UBND Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Theo dõi, thúc đẩy sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực; chủ động nắm bắt, triển khai các giải pháp phù hợp, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hương Giang
Bình luận