Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 16/11/2022 11:11
TMO - Với những nội dung mang tính đột phá, Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa được thông qua là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, Luật Dầu khí sửa đổi bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng). Cơ chế này nhằm mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh đó, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Để hoàn thiện căn cứ pháp lý cho hoạt động này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan. Trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí. Giao các bộ ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.
Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa được thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dầu khí; nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung tại khoản 3 Điều 6 nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về “ứng phó sự cố tràn dầu”. Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.
Về hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 31 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 02 khoản riêng (khoản 6 và khoản 7) về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 02 trường hợp: Bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.
Đối với chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Dự thảo đã chỉnh sửa về mặt kỹ thuật tại khoản 1 Điều 67 bảo đảm đúng kỹ thuật văn bản, không ảnh hưởng đến nội dung khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện hợp nhất. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí, xin được giữ quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như đã trình, không quy định trực tiếp chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vì gắn với đối tượng ưu đãi cụ thể quy định tại Điều 53 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo quy định Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Về nghĩa vụ của nhà thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Khoản 12 Điều 59 quy định nghĩa vụ của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trước tiên phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đồng thời, phù hợp với hợp đồng dầu khí vì hợp đồng dầu khí chỉ quy định những nguyên tắc chung về nội dung này và mỗi nhà đầu tư có quy chế riêng lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.
Để thống nhất thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án dầu khí và phù hợp với tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với hợp đồng dầu khí tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khác, dự thảo Luật đã quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên, rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.
Mạnh Cường
Bình luận