Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 27/08/2024 13:08
TMO - Nắm bắt, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã sử dụng thiết bị bay không người lái trong hoạt động sản xuất, giúp gia tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng.
Huyện Vĩnh Tường nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, để thúc đẩy ngành nông nghiệp, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn.
Năm 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Tường tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn sản xuất đưa các giống cây trồng mới, tiến bộ khoa bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ 4.0 vào sản xuất đại trà như mô hình sản xuất dưa lưới, dưa lê trong nhà lưới có sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động, mô hình trồng nho sữa, mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái trong trồng lúa...
Với mục tiêu cơ giới hoá nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, ngay từ vụ mùa năm 2024, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường gieo trồng 231ha lúa các loại, tập trung chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Hà Phát 3, TH 395, Hương Bình,…trong đó có 20ha thực hiện gieo trồng giống lúa hữu cơ Hương Bình, hiện nay lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong thời kỳ làm đòng đến trỗ.
Thực tế, tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, bà con không chỉ chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận mà còn giải quyết được tình trạng thiếu nhân công lao động, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp. Bà con tham gia mô hình sẽ sản xuất lúa theo quy trình an toàn, ứng dụng máy bay không người lái (Drone) trong phun thuốc bảo vệ lúa, được liên kết đầu tư cả về giống, phân bón và bao tiêu thu mua sản phẩm.
Nhờ ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa trở nên đơn giản hơn. Để sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, người dân chỉ cần cài đặt lượng thuốc, bản đồ khu vực cần phun, máy sẽ tự tìm đến phun rồi tự quay về khu vực xuất phát sau khi hoàn thành phun thuốc. Sử dụng công nghệ này sẽ làm cho các hạt dung dịch phát tán đều, thấm toàn bộ vào thân, lá nên hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phun thông thường.
Người dân huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) tăng cường sử dụng máy bay không người lái trong canh tác lúa. (Ảnh minh hoạ).
Đồng thời phun được trên diện rộng, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và phù hợp với sản xuất tập trung quy mô lớn, giảm chi phí. Khi sử dụng máy bay không người lái còn giúp người dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa thải ra môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện môi trường sống.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc lúa, hàng năm Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp tổ chức triển khai mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, bằng máy bay không người lái tại nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình cũng như lợi ích cho người nông dân, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả cao là ứng dụng tối đa hóa cơ giới cũng như đưa công nghệ vào sản xuất lúa. Về chất lượng bông lúa và hạt lúa, tỉ lệ hạt lép cũng như bệnh hại cây trồng rất thấp, chính vì vậy năng suất tăng lên rõ rệt và thu nhập của bà con nông dân đã tăng cao.
Hiệu quả từ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đang được bà con và cơ quan chức năng đánh giá cao, ghi nhận. Đây là cơ sở để huyện Vĩnh Tường tiếp tục triển khai trong thời gian tới, cùng khuyến cáo bà con sử dụng lượng phân bón hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao theo các giai đoạn lúa, từng mùa vụ, nhằm giảm chi phí, giải quyết bài toán nhân công lao động và tối ưu năng suất cây trồng.
Tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, không chỉ có huyện Vĩnh Tường mà nhiều địa phương khác cũng tích cực sử dụng máy bay không người lái để gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Như tại huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) nhờ ứng dụng công nghệ cao, các chi phí đầu vào trong chăm sóc lúa đã giảm hẳn, như nhân công (giảm 40%), phân bón (giảm thất thoát 30-35%). Đặc biệt, việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái vừa tăng hiệu quả, sản lượng lúa, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28 về việc triển khai Nghị quyết số 19. Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Nông nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu suất trong nông nghiệp, sự kết hợp giữa cơ giới hóa, tự động hóa và sử dụng máy bay không người lái đã trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến. Một trong những lợi ích chính của sự kết hợp giữa cơ giới hóa và tự động hóa trong nông nghiệp tại Vĩnh Phúc là tăng cường hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Các thiết bị cơ giới hóa như máy cày, máy gặt, và máy bay không người lái đã hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong quá trình canh tác nông nghiệp.
Mỹ Chi
Bình luận