Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ năm, 10/10/2024 13:10
TMO - Trồng hoa công nghệ cao tại TP. Hà Nội đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Người dân trồng hoa không chỉ được hưởng lợi kinh tế từ trồng hoa, mà còn góp phần chuyển đổi phương pháp sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hướng tiên tiến, hiện đại.
Chuyển đổi dần những diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng hoa gắn với phát triển du lịch là định hướng được Hà Nội xác định nhằm cụ thể hoá các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ. Thông tin từ Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thống kê toàn TP.Hà Nội hiện có hơn 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu tại các địa phương ven đô. Ngoài 4 huyện trọng điểm là Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, diện tích trồng hoa rải rác cũng được ghi nhận tại các huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây.
Để tiếp tục phát triển diện tích trồng hoa theo hướng hiện đại, TP.Hà Nội đã khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao trong quá trình canh tác, sản xuất. Bên cạnh đó các Hợp tác xã (HTX) và nông dân cũng chú trọng, mạnh dạn đầu tư những thiết bị hiện đại phục vụ quá trình trồng hoa.
Tiêu biểu, tại huyện Đan Phượng, các HTX trên địa bàn đã và đang đầu tư công nghệ cao như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... vào sản xuất hoa. Việc trồng hoa trong nhà kính tạo môi trường thuận lợi cho hoa phát triển, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp chủ động được kế hoạch sản xuất, khắc phục tính thời vụ, có thể cung cấp hoa quanh năm. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, với khoảng 250.000 cây hoa các loại; đã mang lại doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm hàng chục lao động, với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Hay tại huyện Mê Linh – một trong số những địa phương có diện tích trồng hoa lớn trên địa bàn Hà Nội, hiện nay người dân và một số chủ trang trại đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào canh tác hoa màu. Từ vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả người dân đã chủ động cải tạo, đầu tư trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín. Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao để hoa phát triển và nở đúng dịp. Ngoài ra, các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, nguồn nước cũng được kiểm soát tối ưu cho sự sinh trưởng của hơn 50.000 gốc hoa. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, hoa lan hồ điệp bền đẹp, cánh dày, thời gian sử dụng dài nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa giúp người dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. (Ảnh minh hoạ)
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, hiện nay toàn TP đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa, quy mô 10-20 ha/vùng tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Ngoài ra, Hà Nội cũng có 61 cơ sở trồng hoa ứng dụng công nghệ cao toàn phần hay một phần, tổng diện tích 122ha với hơn 77ha hoa trong nhà kính. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, đưa giống mới vào sản xuất, quy trình chăm bón, tưới tiêu nước tự động, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ… cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm…
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa đã giúp người dân chủ động được quy trình trồng, chăm sóc; hạn chế, khắc phục được yếu tố bất lợi của thời tiết. Hơn nữa, người trồng hoa có thể xây dựng lịch thời vụ trồng và thu hoạch đúng dịp lễ, Tết nên bán được giá. Hoa trồng đạt tỷ lệ sống cao, nở đồng đều, thu hoạch đồng loạt, tạo điều kiện thuận lợi để gieo trồng vụ hoa mới.
Hiện nay, việc sản xuất hoa theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao cũng đã xuất hiện ở các huyện Đan Phượng, Thạch Thất… nhưng còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự gắn kết giữa các nông hộ với doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và sản xuất; thiếu quy hoạch vùng chuyên canh; chưa nghiên cứu, dự báo được nhu cầu thị trường nên thiếu định hướng trong kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất hoa rất lớn; doanh nghiệp, hợp tác xã còn một số hạn chế, khó khăn cho việc đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản…
Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu phát triển vùng hoa khoảng 8.000ha hoa các loại theo hướng tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 500-700ha. Theo đó, Hà Nội cũng sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa; khai thác, tạo sinh kế và phát huy hiệu quả đất bãi ven sông, tập trung phát triển nghề trồng hoa theo hướng trang trại gắn với du lịch trải nghiệm…
Để nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao, Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; xây dựng nghề trồng hoa trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Mặt khác, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn các hộ trồng hoa cách phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, về phía người dân, để tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng công nghệ cao, người trồng hoa mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã, người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khu nhà màng, nhà lưới trong sản xuất hoa; hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm... bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Minh Tú
Bình luận