Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 06/10/2022 21:10
TMO - Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được triển khai hiệu quả tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được cải thiện đáng kể.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là trên 5.913ha; trong đó có 19 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 409ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu.
Công nghệ áp dụng trong nuôi trồng thủy sản như: công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm, với năng suất từ 20-30 tấn/ha...
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.
Triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản góp phần gia tăng giá trị sản xuất tại các địa phương
Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trên địa bàn hiện có 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 352ha. Hình thức nuôi chủ yếu là trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng. Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250-500 con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy có thể nuôi được từ 3-5 vụ/năm.
Với phương pháp nuôi tôm công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết nên có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ.
Đặc biệt, nuôi tôm công nghệ cao có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 15 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 400 ha (tăng 50 ha so cùng kỳ).
Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng của năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 14.507 tấn, hoàn thành 71% kế hoạch năm. Các loại giống nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, cá nước lợ và hàu… Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định do du lịch đã phục hồi nên việc tiêu thụ thủy sản thuận lợi hơn, người dân tiếp tục thả giống theo kế hoạch sản xuất.
Minh An
Bình luận