Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ tư, 18/10/2023 15:10
TMO - Canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, giúp bà con nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân. Từ đó, giảm đáng kể chi phí sản xuất, cây lúa giữ được năng suất, chất lượng, đặc biệt góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (SRI) được triển khai từ năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tổ chức Earth Care Foundation thực hiện với 3 mục tiêu Hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; giúp đỡ nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống Hội các cấp với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, chủ động của Ban Quản lý Dự án thuộc Hội Nông dân 24 tỉnh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, đã có hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2.532.000 nông dân tại 24 tỉnh tham gia Dự án đang áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000 ha. Số lượng nông dân áp dụng cả 3 kỹ thuật tăng gấp 4 lần trên diện tích tăng gấp 6 lần so với trước khi thực hiện Dự án.
Một số tỉnh có diện tích nhân rộng lớn gồm: An Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang. Ở một số địa phương, những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai hiệu quả Dự án đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở việc bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng dự án. Đáng chú ý, 100% các nông dân tham gia Dự án đã cắt giảm từ 20% đến 100% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ nông dân đốt rơm rạ giảm đáng kể ở các tỉnh tham gia Dự án; có nơi tỷ lệ không đốt rơm rạ đạt đến 80%. Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm đến 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 3 (2023-2025) và là địa phương duy nhất trong cả nước tham gia giai đoạn này.
Tại tỉnh Bắc Giang, sau 3 năm triển khai dự án SRI nông dân nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp canh tác lúa khoa học giúp giảm chi phí, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Giai đoạn 1, dự án triển khai ở 4 xã: Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng); Nghĩa Hưng, Đào Mỹ (Lạng Giang). Giai đoạn 2 mở rộng thêm các xã: Lương Phong, Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); Tân Hiệp (Yên Thế). Hiện Hội Nông dân tỉnh đang tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 3 (2023-2025) và là địa phương duy nhất trong cả nước tham gia giai đoạn này.
Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng vào các kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả. Theo đó, các hộ tham mô hình thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường như cấy mạ non 2-2,5 lá; cấy thưa, cấy ít rảnh và áp dụng đồng thời 03 kỹ thuật: sử dụng hợp lý phân bón (sử dụng 20kg phân bón vi sinh thay thế 50% phân bón NPK); xử dụng rơm rạ đúng cách (100% các hộ tham gia mô hình xử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ làm phân bón; không đốt rơm rạ sau thu hoạch); tưới nước cho lúa theo nhu cầu phát triển của cây lúa (ướt, khô xen kẽ).
Thực hiện Quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc phê duyệt Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” tại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn 2 xã Xuân Lam và Long Xá (huyện Hưng Nguyên). Theo đó, trong 2 năm, dự án đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 120 hội viên nông dân nòng cốt trên địa bàn 2 xã Xuân Lam và Long Xá tham gia; tổ chức 8 hội nghị truyền thông về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 160 hộ nông dân nòng cốt tham gia. Để đánh giá hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, Ban Quản lý dự án đã hỗ trợ, chỉ đạo triển khai xây dựng 6 mô hình trình diễn canh tác lúa thân thiện với môi trường, quy mô 1.000m2/mô hình.
Sau 3 vụ sản xuất đã khẳng định: Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, chống chịu được sâu bệnh tốt, bông to hơn; số dảnh hữu hiệu đạt 9-12 dảnh/khóm, số hạt chắc trên bông đạt 150-160 (hạt chiếm 87%) ; năng suất thực thu đạt 3,3-3,6 tạ/sào, cao hơn so với ruộng đối chứng là 40 kg/sào; chi phí sản xuất giảm, cụ thể: giống giảm 50% (chỉ sử dụng 0,8 - 1 kg giống/sào), phân bón giảm đạm (2 - 2,5kg/sào), thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 lần phun/vụ. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đối chứng 23-25%. Từ hiệu quả của dự án và làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay trên địa bàn 2 xã Xuân Lam, Long Xá đã vận động được 200 hộ nông dân thực hiện áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường và nhân rộng được 200 mô hình với quy mô 25 ha.
Canh tác lúa thân thiện với môi trường giảm đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Dự án được triển khai thực hiện tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ và Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà từ tháng 1/2022 đến 6/2023 nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa (trong đó tập trung vào 3 kỹ thuật chính bao gồm: giảm phân hóa học, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ); nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Việc áp dụng các biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, bón phân hợp lý và xử lý gốc rạ sau thu hoạch đã mang đến những kết quả tích cực trong quá trình sản xuất lúa như: Lúa có bộ rễ đẹp, dài, ăn sâu, ít rễ đen so với các ô ruộng khác sản xuất theo tập quán địa phương; lúa đảm bảo đạt mức cao nhất so với mặt bằng chung của địa phương. Cùng với đó, việc xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học đã làm cho gốc rạ phân hủy nhanh, lúa không bị nghẹt rễ như các ruộng sản xuất đối chứng; phân hữu cơ giúp cho đất có độ mùn tốt hơn, xốp đất hơn; việc tưới ướt khô xen kẽ giúp tiết kiệm lượng nước tưới cần sử dụng cho 1 chu kỳ sinh trưởng của cây lúa khoảng 15%. Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý, giảm phân bón hóa học nhằm giảm chi phí đầu tư (có thể giảm 150 nghìn đồng/sào), giảm thiểu sự phát thải các hóa chất vào môi trường; hoạt động xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ, hạn chế việc đốt rơm rạ làm giảm phát thải khí độc hại…
Bên cạnh những thuận lợi, Dự án còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, hiện nay ở Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn để chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường. Tình trạng manh mún về ruộng đất ở một số địa phương khiến việc nhân rộng gặp khó khăn. Một bộ phận người dân còn ngại thay đổi, chưa mạnh dạn tham gia dự án,…Từ những kết quả mà Dự án mang lại,các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục kế thừa và nhân rộng kết quả của Dự án nhằm phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường nói riêng và phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường nói chung.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, về phía doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành xây dựng, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng giá trị cho sản phẩm.
Theo Báo cáo cập nhật lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương 32,2% tổng lượng phát thải của cả nước. Trong đó, lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm các cây trồng với 50,49%, tương đương 44,6 triệu tấn CO2.
Có thể thấy, tình trạng biến đổi khí hậu và việc sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là việc giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là vấn đề cấp bách, cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt và những cách làm phù hợp với tình hình hiện nay. Thực tế này đòi hỏi việc phát triển các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường cần được triển khai hiệu quả, bền vững tại các địa phương.
Mai Hương
Bình luận