Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 03/10/2023 08:10
TMO - Trong giai đoạn 2010 - 2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được Tổng cục Khí tượng Thủy văn đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại từ thời tiết nhất là đối với các loại hình thiên tai.
Trong những năm qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở đất nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu Khí tượng Thủy văn để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời với độ tin cậy chính xác cao, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm, bất thường.
Đến nay với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, của Bộ TN&MT...lĩnh vực khí tượng thủy văn đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc TN&MT, với trên 1800 trạm/điểm đo trên toàn quốc. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2023, mạng lưới trạm đã đầu tư phát triển gần 800 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV. Tỷ lệ các trạm KTTV đã được tự động hóa khoảng gần 40%; đặc biệt các trạm đo mưa, bức xạ được đầu tư mới đã tự động 100%; trạm đo mực nước tự động chiếm 53% tổng số trạm. Chất lượng số liệu đo đạc, quan trắc KTTV luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV từ trung ương đến địa phương được tổ chức theo 3 cấp dự báo, công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại.
Trong giai đoạn 2010 - 2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV: Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão. Thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, Châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho khu vực Việt Nam.
Đưa công cụ hỗ trợ phân tích và hỗ trợ dự báo thời tiết, dự báo bão, cụ thể là Hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV và công cụ hỗ trợ (MHDARS) tác nghiệp dự báo khí tượng, dự báo bão, nghiên cứu khoa học; Ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số chi tiết định lượng làm tiền đề cho việc thiết lập phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTV toàn ngành, các công hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới.
Ứng dụng hệ thống Định hướng cảnh báo lũ quét của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ trong cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét. Đồng thời tính toán lũ ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập ở Lào năm 2018 đến dòng chính sông Mê Công tại Tân Châu và Châu Đốc; nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm cho năm 2019… Xây dựng được Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ.
Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên cả nước từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của dự báo, cảnh báo thiên tai.
Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành khí tượng thủy văn. Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả quy hoạch hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực KTTV, xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia tập trung, liên thông với cơ sở dữ liệu TN&MT, cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; xây dựng cơ chế chia sẻ, kết nối liên thông thông tin, dữ liệu KTTV, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để quản lý tổng thể các hoạt động liên quan tới công tác KTTV.
Xây dựng, hoàn thiện phương pháp, quy trình quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới, sáng tạo; ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, KTTV biển; nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị phục vụ công tác của cơ quan KTTV. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác KTTV theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hoá, tích hợp đa mục tiêu.
Tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác KTTV phục vụ phát triển bền vững; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các hoạt động quan trắc, thông tin, dự báo, cảnh báo KTTV; triển khai các đề án, dự án, các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về KTTV.
Mạnh Dũng
Bình luận