Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 29/09/2023 08:09
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc tự động lượng mưa, mực nước chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Trung ương và địa phương nên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định đã được trang bị một số phương tiện, thiết bị đáp ứng cho công tác chuyên môn tại Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định. Các trang thiết bị được tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, cùng với sự tăng dầy hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) trên địa bàn tỉnh; đã góp phần nâng cao năng lực và chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ thiết thực cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, từ năm 2014 đến nay Bình Định nỗ lực đầu tư lớn cho hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Nhờ vậy, công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh này đã có chuyển biến rõ rệt.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Định có Hệ thống trạm quan trắc ngành Khí tượng thủy văn Quốc gia đang vận hành gồm: 01 trạm hải văn Quy Nhơn (tự động), 06 trạm thủy văn (04 trạm tự động gồm trạm An Hòa, Bồng Sơn Vĩnh Hiệp, Bình Nghi và 02 trạm thủy văn thủ công gồm trạm An Lão và Vĩnh Sơn), 07 trạm khí tượng (trạm Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Đức, Phù Mỹ, Tây Thuận, Canh Thuận), 01 trạm cảnh báo dông sét Quy Nhơn, 01 rada thời tiết Quy Nhơn, cùng với 27 trạm quan trắc tự động lượng mưa.
Tỉnh Bình Định chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới các trạm quan trắc tự động lượng mưa. Ảnh: HT.
Mạng lưới các trạm quan trắc tự động lượng mưa chuyên dùng hiện có 74 trạm trên các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau: Trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh có 35 trạm/diện tích lưu vực 3.809 km2 (mật độ 109 km2 /1 trạm); lưu vực sông La Tinh có 14 trạm/diện tích lưu vực 780 km2 (mật độ 56 km2 /1 trạm); lưu vực sông Lại Giang có 22 trạm/diện tích lưu vực 1.402 km2 (mật độ 64 km2 /1 trạm), lưu vực đầm Trà Ổ có 02 trạm và 01 trạm ở xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn.
Về trạm quan trắc tự động mực nước chuyên dùng hiện có 40 trạm: Trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh có 15 trạm, lưu vực sông La Tinh có 13 trạm, lưu vực sông Lại Giang có 12 trạm. Trong 40 trạm trên, có 21 trạm quan trắc mực nước sông (sông Kôn 8 trạm, sông Hà Thanh 4 trạm, sông La Tinh 06 trạm, sông Lại Giang 3 trạm) và 19 trạm quan trắc tự động mực nước hồ chứa.
Dữ liệu quan trắc tất cả các trạm từ hệ thống này được tích hợp, chia sẻ công khai (miễn phí) trên trang Thông tin điện tử của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh tại địa chỉ https://quantrac.pcttbinhdinh.gov.vn; số liệu cập nhật trực tuyến theo thời gian thực với 10 phút/giá trị mực nước, 60 phút/giá trị lượng mưa quan trắc được.
Giao diện hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc.
Để đảm bảo lộ trình phù hợp với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục cập nhật và bổ sung mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng và tài nguyên nước trong thời gian tới, đảm bảo tính đồng bộ và lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Ưu tiên các trạm thuộc vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm, vùng chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu, vùng có mật độ trạm còn thưa, chưa đảm bảo về mật độ trạm.
Sở NN&PTNT cho hay, các số liệu hệ thống quan trắc tự động mực nước - lượng mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai được cập nhật trực tuyến theo thời gian thực, là kênh thông tin cảnh báo nhanh chóng đến chính quyền và người dân, doanh nghiệp về tình hình mưa lũ, để kịp thời triển khai công tác chuẩn bị cho phù hợp. Thời gian qua, Văn phòng Thường trực về Phòng chống thiên tai tỉnh nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hệ thống để cộng đồng tiếp cận các số liệu này nhiều hơn.
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường nói chung, cơ sở dữ liệu về KTTV nói riêng của tỉnh chưa thực sự hoàn chỉnh, cũng như chưa xây dựng được danh mục, tài liệu, dữ liệu các yếu tố KTTV quan trắc được trên phạm vi toàn tỉnh. Tình hình khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV trong thời gian qua chủ yếu được sử dụng từ nguồn dữ liệu miễn phí, thông tin, tài liệu KTTV sử dụng trong các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế công trình, hoạt động tư vấn… phần lớn chưa được thẩm định nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng, mục đích sử dụng tài liệu…từ cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định.
Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV trên địa bàn tỉnh và thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn xem xét: Đối với hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia trên địa bàn tỉnh hiện nay, cần tăng cường, chủ động trong công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm về các loại hình thiên tai nguy hiểm; nhất là các thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, các hình thái thời tiết cực đoan để chính quyền các cấp cơ sở và Nhân dân, cộng đồng trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai chủ động phòng, tránh và ứng phó với các loại hình thiên tai trên địa bàn. Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ dự báo chi tiết đến cấp xã, thôn.
Hỗ trợ tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định về các giải pháp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, phần mềm quản lý thông tin đồng bộ, tập trung, liên thông giữa các cấp, ngành; hiện đại hoá công nghệ thu nhận, lưu trữ và xử lý thông tin, dữ liệu KTTV ở địa phương; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong công tác thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu KTTV được đầy đủ, kịp thời, liên tục trong mọi tình huống. Hỗ trợ đào tạo tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện trong công tác kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện, dụng cụ, máy đo chuyên ngành KTTV đối với các công trình KTTV chuyên dùng.
Minh Vân
Bình luận