Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 15:04
Thứ hai, 31/03/2025 16:03
TMO - Nhìn những ngọn núi, con sông, nhìn cây cầu Hàm Rồng sừng sững trên dòng sông Mã, ít ai biết rằng, đây chính là những minh chứng sống ghi dấu bao chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày mùng 3 và mùng 04/04/1965, trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay của đế quốc Mỹ.
Nằm trong lòng thành phố Thanh Hóa, Hàm Rồng - một vùng đất linh thiêng huyền thoại nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh kỳ thú qua các quần thể hang động, sông, núi… Nhắc đến vùng đất Hàm Rồng, chúng ta không thể không nhắc đến cây cầu Hàm Rồng lịch sử. Bao nhiêu năm trôi qua, cây cầu vinh quang, oanh liệt ấy vẫn ngày ngày sừng sững, hiên ngang nối đôi bờ sông Mã cho những dòng xe chạy qua.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nằm trên tuyến Quốc lộ 1, cầu Hàm Rồng được coi là một trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ để bảo đảm cho tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam luôn được thông suốt. Đế quốc Mỹ đã nhận rõ vị trí trọng yếu của cây cầu này, nên luôn coi Hàm Rồng là một mục tiêu “ưu tiên” của không quân Mỹ.
Cầu Hàm Rồng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh tư liệu).
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đế quốc Mỹ đã tập trung một lượng lớn bom đạn để đánh phá cầu Hàm Rồng, hòng chặt đứt con đường huyết mạch vận chuyển chi viện Bắc - Nam.
Để bảo vệ cầu Hàm Rồng, ban đầu quân ta đã bố trí tại đây hai đại đội pháo phòng không 57mm, hai đại đội pháo 37mm, một đại đội súng máy cao xạ 14,5mm, cùng lực lượng trên các tàu hải quân đậu trên sông Mã. Lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang (LLVT) Thanh Hóa tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp… tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là minh chứng lịch sử gắn liền với những biến cố, thăng trầm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.
Ngày 05/08/1964, Mỹ đã dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chúng bắt đầu leo thang phá hoại Miền Bắc Việt Nam. Chúng nhận định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh, có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là điểm tắc lý tưởng, là đầu mút của khu vực cán xoong. Do vậy, cầu Hàm Rồng là mục tiêu quan trọng nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ nhất.
Mục tiêu của chúng là ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Chính vì vậy, nơi đây trở thành nơi đấu trí, đấu lực của bộ đội và dân quân tự vệ Hàm Rồng nói riêng và nhân dân Thanh Hoá nói chung với không lực Hoa Kỳ. Các trận địa hỏa lực ở hai đầu cầu Hàm Rồng cùng với trận địa Đồi C4, Đồn Công An Vũ Trang đóng trong Động Long Quang và những chiến sĩ bảo vệ trực tiếp Cầu Hàm Rồng đã ngày đêm hợp đồng tác chiến, làm nên những chiến công.
Trận địa Đồi C4 nằm trên núi Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đã in đậm dấu ấn hào hùng, cùng với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Đúng 13h ngày 03/04/1965, từng tốp máy bay phản lực dồn dập lao vào đánh phá Hàm Rồng. Trước đó, máy bay Mỹ đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào cầu Đò Lèn, huyện Hà Trung, hòng phong toả lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm. Với thế trận hiệp đồng giữa bộ đội phòng không - không quân và dân quân tự vệ, quân và dân Hàm Rồng bám chắc trận địa, kiên cường chiến đấu với "thần sấm con ma" của đế quốc Mỹ.
Trong ngày 03/04/1965 – ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ, quân và dân ta đã bắn rơi 17 máy bay địch. Bị thất bại nặng nề, ngày 04/04/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay, điên cuồng trút bom đạn xuống Hàm Rồng và vùng phụ cận như Phà Ghép, Khoa Trường, Văn Trai... Quân ta đã điều động 2 tàu chiến của bộ đội Hải quân và Biên đội Míc 12 của Không quân Việt Nam, tạo nên "trận đồ bát quái" vây chặt lũ giặc trời.
Động Long Quang, nằm ở phía Nam cầu Hàm Rồng (Tp. Thanh Hóa) từng là nơi đóng quân của Phân đội 3 Công an vũ trang Thanh Hóa (nay là Bộ đội Biên phòng), cũng là nơi sơ cứu của các chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Đến 17h, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong 2 ngày 03 và 04/04/1965 lên 47 chiếc, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đây là kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Chiến thắng Hàm Rồng trở thành động lực để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước. Cả địa cầu đều vang vọng tiếng đài phương Tây bình luận “đây là ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Cầu Hàm Rồng trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh Nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược.
Trong ngày 03 - 04/04/1965, trên đỉnh núi Ngọc, nằm ở phía Bắc cầu Hàm Rồng (Tp. Thanh Hóa), nơi có cột cờ Tổ quốc là trận địa của tổ trung liên gồm 3 chiến sĩ trẻ, kiên cường bám trụ chiến đấu một mất một còn, đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ với lời thề: “Chúng tôi quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để tiêu diệt địch”.
Trong những ngày tháng oanh liệt ấy, có biết bao tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng, như tấm gương của anh Đỗ Khắc Cảu - Trung đội trưởng trung đội xếp dỡ Hàm Rồng mặc cho vết thương loang máu, anh vẫn chỉ huy đồng đội chuyển đạn. Nữ dân công Ngô Thị Sáu ba lần bị thương vẫn không chịu rời trận địa cho tới lúc hy sinh. Chị Ngô Thị Tuyển vác trên vai hai hòm đạn 98 kg băng mình trong lửa đạn để tiếp đạn cho các chiến sĩ. Thợ hàn Phùng Xanh Vĩ đã thề cùng đồng đội “cầu còn thì mình còn, phải giữ cầu cho bằng được”. Nữ dân quân Lương Thị Thục đã không ngại khó khăn, vất vả đưa cơm, cởi áo, lau súng cho bộ đội. Tổ trung liên trên núi Ngọc đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió với lời tuyên thề: “Chúng tôi quyết tâm làm tròn nhiệm vụ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để tiêu diệt địch”…
Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ (1964-1973), với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng chi viện cho miền Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá cầu Hàm Rồng. Mỹ đã huy động 2.924 máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốc két, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi… Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, trong những giây phút một mất một còn với kẻ thù, Quân dân Hàm Rồng – Nam Ngạn đã chiến đấu anh dũng, bao giặc lái có ngày đi mà không có ngày về.
Chỉ trong 2 ngày mùng 3 và mùng 04/04/1965, trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1965 đến năm 1973, quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn đã bắn rơi 117 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, giữ vững cầu, lập nên một kỷ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới, đem lại niềm tự hào cho dân tộc.
Mảnh đất Hàm Rồng ghi dấu nhiều cái “nhất” như “bom đạn trút xuống nhiều nhất, máy bay Mỹ rơi nhiều nhất, nơi có nhiều đơn vị anh hùng nhất…”. Với những trang sử oai hùng cùng với cảnh quan núi sông kỳ vĩ, vùng đất Hàm Rồng sẽ là thắng tích trường tồn mãi cùng chiều dài lịch sử của dân tộc Việt. Ông M.Da-ga-ren (người Mỹ) đã từng khẳng định: “Cầu Hàm Rồng là tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân và thanh niên Việt Nam; một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ”.
Chiến tranh đã lùi xa, Chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. 60 năm trôi qua, những hố bom xưa đã được phủ lên bằng những cây trái tốt tươi, nhà cửa khang trang, bề thế. Vùng đất Hàm Rồng một thời máu lửa ngày ấy nay cũng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của xứ Thanh. Và cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của nhân dân Hàm Rồng nói riêng và nhân dân Thanh Hoá nói chung.
Hoài Thu
Bình luận