Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 11:01
Thứ năm, 16/11/2023 20:11
TMO - Hà Tĩnh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo đó, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh mới đây về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anh, nêu rõ, Nghị quyết số 36-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước ta, một quốc gia có bờ biển dài hơn 3.200km với hơn 3.000 đảo và quần đào lớn nhỏ, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược không chỉ là phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa đăc biệt về quốc phòng an ninh.
Nghị quyết số 36-NQ/TW đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, những kết quả quan trọng trong thực tiễn phát triển của đất nước ta thời gian qua. Du lịch biển đã có sự phát triển nhanh, khẳng định được vị thế, vai trò của du lịch biển trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo ra diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển. Kinh tế hàng hải đạt nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng tăng, dần đáp ứng nhu cầu vận chuyển. Ngành dầu khí, thuỷ sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Các khu kinh tế ven biển đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế chính sách phù hợp. Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, kinh tế hàng hải. Du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đã có bước phát triển tốt... Nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đã đạt được kết quả tích cực. Tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển.
Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Công nghiệp ven biển chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất ngành thủy sản còn nhỏ…Do đó, tỉnh Hà Tĩnh cần nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển. Sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường biển. Quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ biển theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực biển…
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Cụ thể, các chỉ tiêu tổng hợp: Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển.
Về kinh tế biển: Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...
Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.
Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
LÊ HÙNG
Bình luận