Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ bảy, 19/10/2024 17:10
TMO - Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép đất cây xanh, công viên, vườn hoa.
Để tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị, TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp trong việc thẩm định, cấp giấy phép quảng cáo; có ý kiến về nội dung các hoạt động tổ chức trong công viên, vườn hoa theo thẩm quyền; kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo trong công viên, vườn hoa.
UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây, khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách. Các chủ đầu tư công trình khi thực hiện phải gửi phương án xử lý cây xanh hiện hữu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xem xét, có ý kiến cấp phép trước khi triển khai.
Các đơn vị được giao kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép đất cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ, vườn ươm cây xanh theo thẩm quyền và quy định; quản lý địa bàn, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí được quy hoạch đất cây xanh.
Chủ đầu tư dự án xây dựng mới, dự án cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm vỉa hè, hệ thống rãnh thoát nước, đường điện, cáp thông tin, đường ống nước sạch...) có hệ thống cây xanh đô thị hiện hữu phải lập phương án bảo vệ rễ cây, chằng chống giữ thân cây, phát triển rễ cây nếu bị chặt... Phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.
TP. Hà Nội tăng cường triển khai các biện pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị hiệu quả. Ảnh: TC.
Đối với các công trình khác khi xây dựng có thể ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu (cây xanh lân cận công trình, cây xanh trong ranh giới dự án), chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có. Trong quá trình thi công, sửa chữa, xử lý kỹ thuật công trình chuyên ngành, đơn vị thực hiện phải thông báo, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý hệ thống cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn của cây xanh.
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì cây xanh, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng duy trì hệ thống cây xanh theo các gói thầu; kịp thời phát hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh để thông tin đến chính quyền địa phương cùng phối hợp kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; báo cáo Sở Xây dựng các nội dung vượt thẩm quyền...
Trước đó, từ đầu tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến khoảng 40.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ, trong đó cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) là hơn 13.600 cây bị gãy đổ. Còn cây xanh do quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị bị gãy đổ là hơn 26.300 cây.
Theo Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), hệ thống cây xanh bóng mát đường phố Hà Nội đa dạng về thành phần, nhiều nhất là các loài như: xà cừ, bằng lăng, lim xẹt…đã chứng minh được sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở Hà Nội hiện phải chịu nhiều áp lực do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp. Rễ cây thay vì cắm sâu vào đất, buộc phải phát triển theo chiều ngang, và thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi gặp tác động lớn từ thiên nhiên.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, TP. Hà Nội cần bổ sung thành phần cây xanh cho đô thị, nhất là các loại cây xanh được trồng trên các tuyến đường. Trong đó, ưu tiên các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian, quy mô, tính chất cũng như cơ sở hạ tầng, truyền thống tập quán của người Hà Nội.
Việc lựa chọn loài cây trồng phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị chung của Hà Nội. Đồng thời, ưu tiên khai thác các loài cây bản địa nhằm tạo lập bản sắc đô thị và phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển. Lựa chọn cây trồng ngoài việc phải kết hợp hài hòa giữa mục đích trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn còn phải cải tạo được cảnh quan, cải thiện khí hậu và vệ sinh môi trường.../.
Lê Hải
Bình luận