Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 22/02/2022 15:02
TMO – Hà Nội xác định xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng Hà Nội.
Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.
Theo đó, Hà Nội coi đầu tư, phát triển, cải tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời gắn với phát triển du lịch. Để góp phần bảo vệ “lá phổi xanh cho thành phố”, Hà Nội yêu cầu giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện có; phát triển rừng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng địa phương; phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh 2-3m2/người như hiện nay lên 8-10m2/người vào năm 2025 và 10-15m2/người vào năm 2030. Thành phố cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67-6,2%.
(Ảnh minh họa)
Đối với phát triển kinh tế, thành phố đề xuất ngành Lâm nghiệp nâng mức thu nhập 1ha đất lâm nghiệp từ 10 đến 15 triệu đồng/ha/năm trong giai đoạn hiện nay lên 40-60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương trồng rừng tập trung hằng năm đạt bình quân 150ha, chăm sóc rừng trồng khoảng 2.400ha/năm, khoanh nuôi tái sinh 200ha/năm, trồng 300.000 cây phân tán/năm.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở tiến hành giao đất gắn với giao rừng và cắm mốc phân ranh giới 3 loại rừng. Các địa phương có rừng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng; tăng cường năng lực quản lý rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng.
Các địa phương và chủ rừng phối hợp với ngành Lâm nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất rừng trồng và phát huy tính đa dạng của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương có rừng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực có tiềm năng để tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
Quốc Dũng
Bình luận