Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ tư, 14/08/2024 08:08
TMO - Trải qua hơn 200 năm, đến nay nghề đan đó truyền thống của người dân thuộc xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vẫn còn được duy trì, bảo tồn đến ngày hôm nay. Từ lâu nghề đan đó đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi này.
Những năm qua, nghề đan đó đem lại thu nhập chính cho người dân tại xã Thủ Sỹ. “Đó” chính là một dạng dụng cụ dùng để đánh bắt cá, tôm gắn liền với đời sống của nông dân Việt Nam từ xa xưa. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn. Ngoài sản phẩm là đó thì người dân ở đây còn tạo ra những chiếc rọ, lờ, giỏ… cũng là những thứ dùng để bắt tôm, cua, cá...
Đó, nơm, lờ…là những dụng cụ đánh bắt cá tôm gắn liền với nông dân Việt Nam từ xa xưa. Ảnh: TK.
Vào những ngày nông nhàn, khi người dân không còn bận rộn với công việc đồng áng, đâu đâu cũng thấy những bàn tay thoăn thoắt đan đó. Trước sân nhà hay dưới những tán lá cây rợp mát, khi tới đây du khách có thể bắt gặp cảnh người dân tập trung đan đó giữa không gian yên ả, thanh bình.
Khoảng 10 năm trở lại đây, do sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp và ao hồ dần thu hẹp lại, nghề đơm đó đánh bắt cá tôm cũng không còn thịnh hành như xưa, nên nghề đan đó cũng không còn là nghề mang lại thu nhập chính cho người Thủ Sỹ, tuy nhiên người dân đã dần biến nơi này thành những điểm du lịch làng nghề đầy thú vị, nơi để các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước thỏa sức chiêm ngưỡng và sáng tác những tác phẩm ảnh nghệ thuật.
Ngày nay, những chiếc đó xuất xứ từ Thủ Sỹ giờ đây không chỉ là ngư cụ quen thuộc của người dân mà còn dần trở thành sản phẩm trang trí nội thất được ưa chuộng trong và ngoài nước tạo nên không gian đậm chất làng quê Việt, mang đến bầu không khí mộc mác, gần gũi với thiên nhiên và môi trường.
Người dân địa phương cho biết, muốn có được những chiếc đó bền và đẹp thì việc đầu tiên phải chú ý đến vấn đề chọn nguyên liệu. Nguyên liệu là tre, nứa phải già mới đan được những chiếc đó bền và đẹp. Kỹ thuật đan đó rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhiều công đoạn. Đầu tiên người thợ phải sử dụng dao thật khéo để chẻ những thanh nứa, thanh tre thành các nan đan các loại. Mỗi loại nan sẽ có các kích thước khác nhau và đặc biệt phải vót thật đều và mỏng. Thường công đoạn này sẽ do đàn ông thực hiện bởi tốn khá nhiều công sức.
Đôi bàn tay tỉ mỉ, cần mẫn của những người thợ đan đó tạo nên những thành phẩm. Ảnh: LG.
Nan sau khi được chẻ gọn ghẽ và chia ra từng loại một, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm, người thợ bắt đầu tỉ mỉ đan từng công đoạn sao cho hoàn hảo nhất. Để hoàn thành một chiếc đó, người thợ phải đan khoảng một tiếng. Quá trình đan, dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi đó. Khi hoàn thành, chiếc đó có hình bầu dục, hai đầu vô cùng chắc chắn, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ.
Những chiếc đó thành phẩm có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ. Ảnh: TK.
Muốn "tăng tuổi thọ" cho chiếc đó, sau khi đan xong, người dân sẽ hun chúng trên gác bếp để chống mối, mọt. Để phong phú thêm sản phẩm, người dân nơi đây còn đan rọ; đan lờ dành cho những người đi đồng đặt bắt cua, cá. Thành phẩm đó đan xong được những người dân trong làng chở trên chiếc xe đạp đi rao bán ngược xuôi khắp các tỉnh thành, nhất là ở những nơi có nhiều cánh đồng trũng, nhiều kênh mương, sông ngòi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định…
Xã hội ngày càng phát triển, những chiếc đó ngày nay không còn là sản phẩm chủ lực về kinh tế đối với bà con và người dân thuộc xã Thủ Sỹ. Tuy nhiên các cụ cao tuổi vẫn say mê, gắn bó với nghề đan đó, đây như một cách để giữ văn hóa, lửa nghề - hồn quê truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Thùy Giang
Bình luận