Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 04/11/2023 06:11
TMO - Hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Nuôi trồng thuỷ sản nước ta chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước mà còn tạo ra sinh kế cho nhiều gia đình và góp phần vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Ngày 3/11, tại Thành phố Cần Thơ diễn ra hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thuỷ sản”, Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ phối hợp và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch Hội đồng quản lý, Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Việt Anh phát biểu trong hội thảo.
Giám sát phát thải khí nhà kính trong ao nuôi tôm là hoạt động thuộc dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” triển khai từ năm 2021-2023. Giảm lượng khí nhà kính phát thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản là một trong ba mục tiêu quan trọng của dự án.
Theo kết quả nghiên cứu công bố tại hội thảo cho thấy lượng phát thải khí nhà kính giảm 17% từ các ao nuôi tôm quảng canh và giảm gần 11% đối với các ao nuôi thâm canh khi người nông dân áp dụng các cách thức canh tác mới. Kết quả đo lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong khi mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh thì trong mô hình nuôi tôm thâm canh, điện và thức ăn là hai nguồn phát thải chính, trong đó lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải.
Với kết quả này, các giải pháp giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tập trung vào giảm lượng điện tiêu thụ, thay thế điện từ năng lượng hóa thạch bằng tái tạo, xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học, tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm và thay đổi cách thức cho ăn (đối với mô hình nuôi tôm thâm canh), và thay đổi mật độ thả tôm, cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết (đối với mô hình nuôi tôm quảng canh). Sau 9 tháng áp dụng kết hợp các biện pháp này, lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm đã giảm 16,9% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh, và giảm 10,8% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh.
Hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thuỷ sản”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu, với diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm thu hoạch hàng năm lớn nhất nhì cả nước, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam. Trong những năm gần đây việc nhanh chóng mở rộng diện tích nuôi tôm ở quy mô thâm canh, siêu thâm canh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Trong khi đó, chưa có nhiều mô hình mẫu về nuôi tôm bền vững, ít phát thải. Việc đo lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, từ đó xác định được các nguồn phát thải chính và đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản là một mô hình hay của dự án và cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới.
Tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Theo dự kiến năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập trong nước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng cần đặt biến đổi khí hậu và quản lý môi trường làm trọng tâm của phát triển kinh tế.
Minh Anh
Bình luận