Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ tư, 15/06/2022 16:06
TMO - Cùng với tiến trình đô thị hóa, công tác phát triển đô thị được thúc đẩy nhanh hơn. Nhiều thành phố hiện đại hơn kéo theo các loại ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Vì vậy, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải.
Để giúp các đô thị của Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới trong chiếu sáng đô thị thông minh, hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc với chủ đề: “Chiếu sáng vì sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường hướng tới phát thải dòng bằng “0” ở Việt Nam” vừa được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14/6.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến- Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, ngoài ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng, các phát thải từ việc thu gom, xử lý các vật tư, thiết bị và sản phẩm chiếu sáng thải bỏ cũng là vấn đề phải được quan tâm. Vấn đề thu gom, phân loại ra sao, tái chế, tái xử dụng như thế nào đặc biệt công nghệ xử lý nào sẽ được áp dụng cần có những giải pháp thật cụ thể.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là quốc gia đang phát triển, quá trình đô thị gia tăng rất nhanh, kéo theo việc phát triển hạ tầng chiếu sang đô thị nói riêng và chiếu sáng trong các lĩnh vực xã hội. Vấn đề đặt ra là chiếu sáng như thế nào để đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Ảnh minh họa
Theo TS.Mai Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 năm qua, hệ thống chiếu sáng tại các đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những đảm bảo yêu cầu về công năng chiếu sáng mà ngày càng hiệu quả hơn về tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều yếu tố mới đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải hơn nữa tại các đô thị”.
Hiện ADB đang hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án “Chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả năng lượng nhằm phát thải ròng bằng “0“ tại Việt Nam”, điều này sẽ góp phần thúc đẩy quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả, từ đó góp phần hướng tới cam kết net-zero của Việt Nam.
Dự án Thành phố thông minh và hiệu quả năng lượng nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị và tòa nhà công cộng tại sáu tỉnh, thành phố được chọn. Tổng kinh phí dự kiến cho các dự án được chuyên gia tư vấn của ADB và các địa phương đề xuất khoảng 160 triệu USD.
Việc triển khai các dự án trên nhằm góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị, tạo việc làm và nâng cao chất lượng sống của người dân; đồng thời sẽ góp phần giảm phát thải khoảng 1,32 triệu tấn CO2 và tiết kiệm 245 triệu USD chi phí trong 10 năm tới. Ngoài ra Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật và liên quan đến quản lý hoạt động chiếu sáng trong thời gian tới.
Thời gian qua, một số dự án thí điểm cải tạo chiếu sáng đô thị thông minh được thực hiện đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Điển hình là dự án chiếu sáng đô thị thông minh thí điểm tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng tại một số tuyến phố chính ở Hội An đã được thay thế bằng các đèn LED 80W thông minh, điều chỉnh độ sáng chủ động. Hiệu quả đem lại ước tính tiết kiệm 43.59 MWh mỗi năm.
Thu Hương
Bình luận