Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 23:02
Thứ bảy, 22/02/2025 10:02
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu giảm gần 30 triệu tấn CO2 trong lĩnh vực quản lý chất thải, để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 21,51 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 20,74 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 30,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 31,06 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020. Kết quả kiểm kê khí mê-tan của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 19,52 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 17,95 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 26,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 26,44 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030; trong đó đặt ra mục tiêu sẽ giảm gần 30 triệu tấn CO2 trong lĩnh vực quản lý chất thải, để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 8,46 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương); trong đó phát thải khí metan giảm 7,28 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí metan không vượt quá 40,98 triệu tấn CO2tđ.
Khi có sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính, công nghệ phù hợp và đầy đủ, mức giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải có thể nâng lên đến 63,5% so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 29,42 triệu tấn CO2tđ; trong đó phát thải khí metan giảm 26,94 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí metan không vượt quá 17,50 triệu tấn CO2tđ.
Bộ TN&MT nhấn mạnh đến các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải (Ảnh minh họa).
Để đạt mục tiêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 11 biện pháp giảm phát thải. Trong đó, 7 biện pháp về xử lý chất thải rắn: giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê-tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu RDF; chôn lấp có thu hồi khí mê-tan. 2 biện pháp về xử lý nước thải sinh hoạt: tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê-tan. 2 biện pháp về xử lý nước thải công nghiệp: giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.
Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan, do quốc gia tự thực hiện là các biện pháp ưu tiên, phù hợp với điều kiện và khả năng đầu tư, đảm bảo có hiệu quả kinh tế, đã được triển khai thực hiện ở trong nước, có khả năng nhân rộng và hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê- tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; chôn lấp có thu hồi khí mê-tan ác biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan.
Khi có thêm hỗ trợ quốc tế là các biện pháp được thực hiện, hoặc thực hiện thêm so với phần do quốc gia tự thực hiện khi có sự hỗ trợ của quốc tế thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển, tổ chức quốc tế, quỹ tài chính, đầu tư quốc tế, các chương trình hợp tác song phương và đa phương... Các biện pháp bao gồm: giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê-tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu RDF; chôn lấp chất thải có thu hồi khí mê-tan; tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê-tan; giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp
Theo Bộ TN&MT, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải giai đoạn 2021 - 2030 khi triển khai đầy đủ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự thực hiện là 38,87 triệu tấn CO2tđ, trong đó tiềm năng giảm phát thải khí mê-tan là 33,42 triệu tấn CO2tđ. Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải giai đoạn 2021 - 2030 khi triển khai đầy đủ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính khi có thêm hỗ trợ quốc tế là 142,35 triệu tấn CO2tđ, trong đó tiềm năng giảm phát thải khí mê-tan là 128,60 triệu tấn CO2tđ.
Để thực hiện mục tiêu trên, Cục Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan Hướng dẫn chi tiết kiểm kê khí nhà kính, khí mê-tan và biện pháp giảm thiểu phát sinh cho các dự án, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; Xây dựng hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động tạo tín chỉ các- bon thu được từ các hoạt động xử lý chất thải rắn, nước thải, bao gồm các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan;
Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về trách nhiệm, lợi ích của việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan; huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đối với việc giám sát giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan; Thu hút, vận động và triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, tài chính và tăng cường năng lực phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan;
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý chất thải sinh hoạt; cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia;
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn; tổng hợp thông tin, số liệu liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Điều tra, đánh giá, cập nhật hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
Các cơ sở xử lý chất thải: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở hằng năm. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với đặc điểm khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.../.
Lê Hạ
Bình luận