Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 06:11
Chủ nhật, 16/04/2023 06:04
TMO - Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch.
Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú, với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên nguồn tài nguyên lại chưa được khai thác hết và hiệu quả.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, du lịch nông thôn là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Bên cạnh sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng kinh tế xã hội, kinh tế nông thôn cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Đến nay, cả nước đã có 6.001 xã (chiếm 73.08%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 1.043 xã đạt NTM nâng cao và 130 xã đạt NTM kiểu mẫu); 255 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Tính đến ngày 28/2, đã có 9.167 sản phẩm của 4.703 chủ thể OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Đặc biệt đã có hơn 80 sản phẩm OCOP thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Các địa phương đang phát huy giá trị nguồn tài nguyên nông nghiệp trong phát triển du lịch nông thôn bền vững.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh 11 nội dung thành phần, giai đoạn này có 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Bộ NN&PTNT đã triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch. Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động (trong đó khu vực Trung du miến núi phía Bắc có 215 mô hình, chiếm 43%).
Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn, nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn, nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, nhờ vào du lịch. Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức, nhờ vào du lịch.Hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, thông qua đó có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng các mô hình phát triển, tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch nông thôn cho người dân: Cần hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân khai thác du lịch nông thôn. Giúp người dân xác định được động lực trong triển khai các mô hình kinh doanh du lịch, trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan, môi trường.
Để du lịch nông nghiệp nông thôn phát huy hiệu quả các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh: CĐ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến nhiệm vụ quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc… Đây là tiền đề rất quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Đồng thời, cần tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Thu Trang
Bình luận