Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ bảy, 18/11/2023 12:11
TMO - Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố Cần Thơ có chiều hướng gia tăng. Sạt lở bờ sông đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhà cửa của người dân địa phương.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, trong 10 tháng của năm 2023 rên địa bàn Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở ở 7 quận, huyện gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Các vụ sạt lở làm bị thương 2 người, sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần 21 căn nhà. Tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ; trong đó 35 vụ sạt lở xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7/2023 (chiếm gần 90% số đợt sạt lở từ đầu năm 2023). Mùa khô năm nay, nắng nóng xảy ra sớm, kéo dài liên tục nhiều ngày trong khi mực nước trên các sông rạch xuống nhanh ở mức thấp. Bên cạnh đó, vào cuối tháng 5, trên địa bàn Cần Thơ xuất hiện mưa nhiều trên diện rộng. Đây là các yếu tố bất lợi dễ xảy ra sạt lở.
Trong 10 tháng của năm 2023 rên địa bàn Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở ở 7 quận, huyện. Ảnh: TTX.
Ngành chức năng tỉnh cho biết, tùy thuộc vào vị trí địa lý của các địa phương mà tình hình sạt lở diễn ra ở những mức độ khác nhau. Sạt lở bờ sông diễn ra phổ biến, với mức độ thiệt hại lớn đối với các quận, huyện nằm theo sông Hậu, sông Cần Thơ như: quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Những địa bàn không có tuyến sông Hậu chảy qua và nằm cách khá xa các cửa phân lưu từ sông Hậu nên tình hình sạt lở diễn ra ít hơn các quận, huyện còn lại.
Bên cạnh đó, các hoạt động của con người làm gia tăng tải trọng lên mép bờ sông như xây nhà ở, lấp đất lấn chiếm lòng sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Ven các tuyến sông ở Cần Thơ như sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn, sông Cái Sắn, Rạch Tắc Ông Thục, kênh Thơm Rơm..., có rất nhiều căn nhà được xây dựng quá sát mép bờ sông, thậm chí lấn hẳn ra cả lòng sông.
Những năm qua, Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân, lập bản đồ dự báo vùng sạt lở, hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sạt lở… Đồng thời, triển khai xây dựng kè chống sạt lở kiên cố và bán kiên cố cũng như tổ chức gia cố các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 12.500m. Trong đó, các tuyến kè kiên cố bằng bê tông cốt thép có chiều dài hơn 8.500m, tổng vốn đầu tư hơn 848 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ kiến nghị, với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần được ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở. Đối với các điểm sạt lở bình thường có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản, kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời dân cư để đảm bảo an toàn. Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Cần Thơ, nếu xây kè hết các điểm sạt lở thì kinh phí không thể kham nổi mà chỉ làm ở những vị trí khẩn cấp. Đối với những điểm sạt lở gây mất đường giao thông thì cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo việc đi lại của người dân.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ kiến nghị, đối với các điểm sạt lở theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh như sông Cần Thơ, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn…và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần được ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở. Đối với các điểm sạt lở bình thường trên các tuyến kênh, rạch nhỏ có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tram kết hợp rọ đá và vãi địa kỹ thuật ...) kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời dân cư để đảm bảo an toàn.
Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng tại ĐBSCL.
Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ đầu năm tới nay, sạt lở bờ sông gia tăng trên diện rộng ở ĐBSCL. Tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, sạt lở bờ sông gia tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh Tiền Giang chỉ riêng 3 tháng đầu năm xuất hiện 20 điểm sạt lở mới, nâng toàn tỉnh lên tới 70 điểm sạt lở.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, chỉ trong 5 năm (2018 - 2022), sạt lở đã làm sập, cuốn trôi ít nhất 2.500 căn nhà ở các tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, làm thiệt hại hơn 304 tỉ đồng. Có khoảng 20.000 hộ dân ở 5 địa phương nói trên đang phải sống trong vùng sạt lở, cần phải di dời.
Vừa qua, Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương đã khảo sát thực tế và xác định những công trình cấp bách cần hỗ trợ các địa phòng chống sạt lở. Trong khi chờ nguồn vốn được phân bổ, các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân góp sức xây dựng những công trình phòng chống sạt lở như trồng cây chắn sóng, làm kè mềm ven sông. Thậm chí có doanh nghiệp còn làm kè kiên cố bảo vệ sản xuất cho cá nhân và cả các hộ lân cận.
Lê Minh
Bình luận