Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Chủ nhật, 16/10/2022 21:10
TMO - Trong những năm qua, rùa chính là loại động vật bị săn bắt, buôn bán phổ biến nhất trong tất cả các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Đáng chú ý, thị trường buôn bán rùa trực tuyến ngày càng phát triển kể cả về số lượng, quy mô và hình thức kinh doanh, với cả các loài không được phép buôn bán thương mại.
Theo báo cáo "Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa trên Facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature) và Chương trình bảo tồn Rùa Châu Á mới xuất bản cho thấy: Việt Nam là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á; trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển.
Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá.
Trong những năm qua, tình trạng quảng cáo buôn bán động vật hoang dã trên mạng xã hội vẫn diễn ra theo nhiều hình thức. Ảnh: BTN
Tuy nhiên, nạn săn bắt và buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của các loài rùa. Trong đó, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam. Báo cáo trên chỉ rõ, từ những năm 1980, các loài rùa của Việt Nam đã bị buôn bán trái phép với số lượng lớn và chịu tác động nặng nề của Cuộc khủng hoảng rùa châu Á vào những năm 1990-2000.
Chỉ tính riêng trong năm 1993, ước tính đã có khoảng 200.000 cá thể, tương đương với 165-270 tấn rùa đã bị buôn bán trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc. Dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2020, cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu được 362 cá thể từ các vụ bắt giữ buôn bán rùa trái phép. Con số này có dấu hiệu gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 khi đã có 292 cá thể bị tịch thu.
Ngoài ra, trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt bất hợp pháp bị bắt giữ, các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần 1/3, tương đương 31,23% trong tổng số cá thể bị tịch thu trong giai đoạn 2013-2017. Đối với mối đe dọa từ thay đổi môi trường sống, hiện tượng mất rừng khiến 13/26 loài chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, 13 loài còn lại đứng trước nguy cơ cao do việc chuyển đổi đất canh tác.
Mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn bán rùa trái phép, do các nền tảng mạng xã hội được thiết kế đặc biệt để tạo điều kiện cho thương mại trực tuyến: dễ tiếp cận, chi phí thấp, không gian mở và linh hoạt, dễ dàng che giấu danh tính. Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã nói chung, các loài rùa nói riêng trên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành thách thức mới đối với các nhà quản lý, cơ quan chức năng.
Kết quả khảo sát trên hai nền tảng Facebook và YouTube năm 2021 cho thấy, thị trường rùa trên mạng xã hội tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, trong đó 2021 là năm tăng trưởng mạnh nhất so với các năm trước đó. Khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2021 có tới 200 nhóm và 96 trang hoạt động thường xuyên trên Facebook liên quan đến hoạt động nuôi và buôn bán rùa với tổng cộng 337.047 thành viên. Khoảng 3.646 cá thể rùa với 17 loài bản địa bị buôn bán trên các trang nhóm Facebook, trong đó có những loài rùa quý hiếm như rùa đất Speng lơ, rùa đất Sê-pôn, rùa đầu to, rùa câm,...
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có số lượng các hoạt động mua bán rùa trực tuyến cao nhất cả nước. Trong các kênh xác định được địa điểm, số lượng cửa hàng trực tuyến của Hà Nội cao nhất với 19 trang; sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh với 17 trang.
Công tác kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã trên nền tảng trực tuyến còn nhiều khó khăn
Mặc dù các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã nói chung và buôn bán rùa trên mạng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài rùa biển nói riêng, các cá thể loài động vật hoang dã nói chung, các chuyên gia cho rằng cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế tình trạng nuôi nhốt, săn bắt rùa; các nền tảng mạng xã hội cần siết chặt công tác quản lý người dùng, nội dung các bài đăng, bài quảng cáo; các chính sách pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm cần phải nghiêm khắc hơn. Sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng cư dân mạng cũng đóng vai trò lớn trong công tác bảo tồn.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận chuyển cũng cần siết chặt việc kiểm tra nội dung bưu phẩm trước khi tiếp nhận nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển rùa trái phép; đồng thời có quy định cấm vĩnh viễn các tài khoản giao dịch có lịch sử vi phạm.
Thanh Tùng
Bình luận