Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ sáu, 13/09/2024 08:09
TMO - Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nghiệp, qua đó tạo những chuyển biến tích cực trong hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Việc chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp đã đem lại những kết quả đáng khích lệ trong phát triển ngành nông nghiệp Gia Lai. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có 18 vùng sản xuất có ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha; có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai đã sử dụng có hiệu quả các phần mềm do Bộ NNN&PTNT triển khai như cơ sở dữ liệu (CSDL) mùa vụ trồng rừng phục vụ sản xuất; quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0; CSDL về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; dữ liệu phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản; CSDL quản lý lâm nghiệp (theo dõi diễn biến rừng); phần mềm phát hiện sớm cháy rừng HostportGla; hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS)...
Bên cạnh đó, về lâm nghiệp, ngay từ năm 2020 Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng công nghệ GIS cũng như các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm tình trạng mất rừng, suy thoái rừng; phần mềm bản đồ trên smartphone giúp nhân viên kiểm lâm địa bàn thực hiện tuần tra, kiểm soát đến từng lô, khoảnh để quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Việc ứng dụng trên phần mềm QGIS giúp lực lượng Kiểm lâm phát hiện kịp thời diện tích rừng bị biến động với độ chính xác cao, phạm vi rộng để từ đó cập nhật diễn biến tài nguyên rừng hàng năm trên hệ thống FRMS.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Gia Lai có diện tích rừng và đất rừng lớn nhưng lại thiếu nguồn nhân lực dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã ứng dụng một số phần mềm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mang lại kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được kéo giảm. Đây là kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề để đơn vị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các phần mềm trong quản lý, phát triển và bảo vệ diện tích rừng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Gia Lai đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành. Hiện nay, Sở đang sử dụng 10 phần mềm gồm CSDL mùa vụ trồng rừng; quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật (PPDMS2.0); cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản; dữ liệu phân tích và dự báo thị trường nông sản; CSDL quản lý lâm nghiệp; phần mềm phát hiện sớm cảnh báo phòng cháy chữa cháy rừng; CSDL về giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản; hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS).
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai. (Ảnh: BGL)
Đồng thời còn đẩy mạnh xây dựng kênh thông tin đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đưa lên sàn giao dịch điện tử. Lãnh đạo Sở NN& PTNT Gia Lai thông tin thêm, ứng dụng công nghệ số từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường. Đây là xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Những năm gần đây, Sở NN&PTNT tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức của ngành sử dụng 45 nền tảng số ưu tiên sử dụng của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành vẫn còn một số khó khăn như doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia chuyển đổi số còn ít; cơ sở hạ tầng số còn hạn chế; các sản phẩm nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Nông dân chưa được đào tạo về chuyển đổi số nên khó tiếp cận, ứng dụng trong sản xuất. …
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT, các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng, quản lý thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh để đưa lên các sàn thương mại điện tử, xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp về đất đai, sản xuất nông-lâm nghiệp…
Nhằm mục tiêu thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ, tại Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 22/1/2024 về Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Gia Lai năm 2024 đã nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai, sử dụng các phần mềm do các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã xây dựng (Phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0) phục vụ cho công tác thống kê, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng; phần mềm cơ sở dữ liệu mùa vụ trồng rừng phục vụ sản xuất. Phát triển các CSDL của ngành, CSDL về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Gia Lai; CSDL quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; CSDL phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản; cơ sở dữ liệu quản lý Lâm nghiệp nhằm theo dõi diễn biến rừng)….
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số nông nghiệp, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng giá trị chế biến nông-lâm-thủy sản; hình thành các chuỗi liên kết lớn kết hợp phát triển hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như hồ tiêu, cà phê, rau quả, dược liệu…/.
Tuấn Anh
Bình luận