Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ tư, 03/01/2024 13:01
TMO - Để sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các ngành chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng một số đợt thiên tai do mưa lớn, dông, lốc, sét, hạn hán, sương muối gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Tổng giá trị thiệt hại thiên tai gây ra khoảng 75,15 tỷ đồng; giảm khoảng 28,41% so với năm 2022 (104,975 tỷ đồng) và giảm khoảng 71,11% so với năm 2021 (260 tỷ đồng). Cụ thể, 7 người bị thương, 527 căn nhà bị thiệt hại ước thiệt hại về kinh tế khoảng 7,98 tỷ đồng; Thiệt hại nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ sở hạ tầng thiết yếu khoảng 67,17 tỷ đồng
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, trong các tháng mùa khô năm 2024, dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì từ tháng 1 đến tháng 5-2024 với xác suất khoảng 62-99%, từ tháng 6 chuyển dần sang pha trung tính, nguy cơ cao xảy ra hạn diện rộng và khả năng cao tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai.
Trong năm, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng; lượng mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất tại khu vực vùng núi...nắng nóng có khả năng xuất hiện vào tháng 3 ở khu vực phía Đông Nam tỉnh; tổng lượng mưa từ tháng 01/2024 đến tháng 3/2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Thủy văn và nguồn nước từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 trên các sông vùng phía Tây và trung tâm tỉnh có dao động theo xu thế giảm; trên các sông vùng phía Đông và Đông Nam dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện. Tổng lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 11 – 14%. Trong 03 tháng tới, trên các sông, suối tỉnh Gia Lai có khả năng cao xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024 có khả năng xảy ra hạn hán cục bộ tại một số địa phương không chủ động nguồn nước và xa các công trình thủy lợi; từ nửa cuối tháng 3 có khả năng xảy ra hạn hán diện rộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Từ tháng 4-5/2024, nắng nóng tiếp tục xảy ra và có khả năng xảy ra khô hạn diện rộng trong các tháng mùa khô năm 2024...
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Ảnh: TD.
Trước sự diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh Gia Lai năm 2024, nhằm chủ động trong công tác PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống và ứng phó thiên tai; kết hợp giữa PCTT với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt; khai thác vận hành hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để đảm bảo vừa phòng lũ và có đủ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát điện...; phối hợp tốt trong công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Ba để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du…
UBND tỉnh yêu cầu công tác PCTT&TKCN phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt trong mọi tình huống, an toàn cho các công trình thủy lợi, thủy điện, kè chống sạt lở, đường giao thông, điện, nước, nhà cửa,... nhằm phục vụ tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống của nhân dân. Chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; đồng thời tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng-chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động PCTT&TKCN theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn, đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 107-CTr/TUcủa Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Gia Lai đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; đồng thời, ban hành các quyết định, kế hoạch và phương án trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hằng năm Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tiến hành rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn được phân công phụ trách.
Địa phương này triển khai các phương án ứng phó với nắng nóng, nguy cơ hạn hán, đảm bảo nước cho hoạt động sản xuất trong mùa khô. Ảnh: LN.
Tỉnh đã triển khai 08 nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng kinh phí thực hiện là 14.173 triệu đồng. Các nhiệm vụ được triển khai chủ yếu nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm ứng phó với thiên tai, một số nhiệm vụ được triển khai nhằm cảnh báo, đánh giá, đưa ra các đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu của thiên tai đến kinh tế - xã hội của địa phương.
Địa phương này đã lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch thủy lợi; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, các khu vực khai thác khoáng sản; Quy hoạch kinh tế - xã hội cấp huyện… Ngoài ra, tất cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đều tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn; trong quá trình xem xét đầu tư, thẩm định các dự án kiên quyết không bố trí ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. Phương án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu và thủy lợi tỉnh Gia Lai, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được lồng ghép trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được bổ sung, hoàn thiện trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã bố trí 2.139 tỷ đồng cho 13 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ 24 dự án kè chống sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách giai đoạn 2021 - 2030 với tổng kinh phí khoảng 3.144 tỷ đồng. Tổng nguồn lực phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai từ năm 2016 đến nay là hơn 328 tỷ đồng và 3.623,79 tấn gạo cứu đói cho người dân.
Lê Nam
Bình luận