Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ năm, 27/03/2025 06:03
TMO - Trong 2 tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, vượt qua Ấn Độ và bám sát với Thái Lan. Đà tăng này giúp biên độ chênh lệch giá gạo xuất khẩu giữa Việt Nam với Ấn Độ và Thái Lan được thu hẹp.
Trước đó, cuối năm 2024 đến cuối tháng 2/2025, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu. Tuy nhiên đến nửa đầu tháng 3/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu tăng nhẹ, trong khi các nước khác vẫn tiếp tục giảm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 397 USD/tấn, so với 392 USD/tấn của tuần trước. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp gạo Việt Nam tăng giá sau khi rơi xuống đáy 392 USD/tấn vào hồi đầu tháng 3/2025.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giữ ổn định ở gần mức thấp nhất trong 21 tháng. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 405 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2022 và chạm mức thấp nhất trong phạm vi giá được báo cáo tuần trước từ 405 - 408 USD/tấn.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu rất yếu và tình hình này có thể tiếp diễn trong 2-3 tháng tới. Ông cho rằng tình hình rất đáng lo ngại và khách hàng thường xuyên chỉ mua theo nhu cầu trong khi thị trường đang dư cung. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 403 - 410 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Một nhà giao dịch tại Kolkata cho biết Pakistan và Việt Nam đang tích cực bán gạo trắng và điều này thậm chí còn ảnh hưởng đến giá gạo đồ.
Đầu tháng này, Ấn Độ cho phép xuất khẩu trở lại gạo 100% tấm, loại gạo đã bị cấm xuất khẩu từ tháng 9/2022. Trong khi đó, giá gạo trong nước tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp những nỗ lực tăng cường nhập khẩu và củng cố dự trữ, gây áp lực lên người tiêu dùng.
Mặc dù Chính phủ Bangladesh đang mua gạo từ Việt Nam, Myanmar và Pakistan thông qua các thỏa thuận chính phủ và đấu thầu quốc tế song những thương nhân tư nhân phần lớn vẫn đứng ngoài, lo ngại giá giảm trên thị trường nội địa. Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động nhẹ. Thị trường lượng khá, giá gạo nguyên liệu tiếp đà giảm, một số mặt hàng lúa tươi cũng quay đầu giảm.
Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 giảm 150 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 giảm 150 đồng/kg… Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 hôm nay giảm 150 đồng/kg dao động ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 giảm 150 đồng/kg dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.600 - 8.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo các loại bình ổn so với hôm qua. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg; gạo thường dao động ở mốc 15.000 -16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine dao động ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa ở mốc 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
(Ảnh minh hoạ).
Trước đó, với mặt hàng lúa, giá lúa OM 5451 (tươi) ngày 26/3 giảm 100 đồng/kg dao động mốc 5.700 - 5.900/kg; giá lúa Đài Thơm 8 (tươi) giảm 100 đồng/kg dao động ở mốc 6.400 - 6.500/kg; giá lúa OM 18 (tươi) giảm 100 đồng/kg dao động ở mốc 6.400 - 6.600 đồng/kg; giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 5.500 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 380 (tươi) tăng 300 đồng/kg dao động ở mốc 5.500 - 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg.
Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 3 đạt 471.040 tấn, trị giá 229,86 triệu USD, giảm 7,3% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế từ 1/1 đến 15/3, xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 904,5 triệu USD, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ do giá lao dốc. Từ đầu năm đến ngày 15/3, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã giảm 20% so với cùng kỳ, xuống còn 532 USD/tấn. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi tích cực trở lại.
Chuyên gia thị trường phân tích, thời gian qua, giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra chậm bởi thị trường nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia ít mua vào. Đặc biệt, Philippines-thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm gần đây đang áp dụng nhiều chính sách điều tiết thị trường gạo. Theo đó, quốc gia này quy định giá trần bán lẻ gạo, cấm dán nhãn phân biệt gạo nhập khẩu và gạo nội địa. Song song đó, Philippines cũng đa dạng hoá nguồn cung và đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tính đến giữa tháng 3/2025, nhập khẩu gạo của Philippines giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Trước đó, ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc nhằm đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để thu mua tạm trữ, phục vụ kế hoạch xuất khẩu dài hơi đã góp phần cắt giảm đà rớt giá gạo.
Lãnh đạo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, trong 2 tháng đầu năm, giá gạo giảm sâu không hẳn là do dư thừa mà là những tình huống về mặt mùa vụ của khu vực. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời về tình hình sản xuất, thời tiết mùa vụ, thị trường lúa gạo trong nước và thế giới tới các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân để người dân nắm được tình hình.
Thanh Bình
Bình luận