Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ ba, 02/07/2024 07:07
TMO - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 8,8 triệu lượt và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19.
Theo đó, khách du lịch đến bằng đường hàng không đạt 7,4 triệu lượt người, chiếm 83,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 51,6% so cùng kỳ năm 2023. Kế tiếp, khách đến bằng đường bộ đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 14,3% tổng lượng khách và tăng 99% so cùng kỳ năm ngoái. Khách đến bằng đường biển chỉ đạt 164,9 nghìn lượt người, chiếm 1,9% tổng lượng khách và tăng 199,5% so cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với mục tiêu đạt 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm nay, du lịch Việt Nam đã đi được nửa chặng đường khi hoàn thành 50% con số đề ra. Mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 4. Vì vậy, cuối năm sẽ là thời điểm để ngành du lịch tăng tốc và bứt phá.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) đạt 630.000 lượt, Mỹ đạt 415.000 lượt, Nhật Bản đạt 336.000 lượt và Malaysia đạt 254.000 lượt. Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc và Ấn Độ. Hai thị trường này đã vươn lên vị trí thứ 7 và 8, xếp trên Campuchia và Thái Lan ở vị trí thứ 9 và 10.
Về động lực tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế của nước ta. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 229,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc tăng 42,4%, Nhật Bản tăng 39,2% và Đài Loan (Trung Quốc) tăng 95,5%.
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế từ các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 119% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92% Ở Nam Á, đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt 396%.
Ở Đông Bắc Á, thị trường lớn Hàn Quốc phục hồi tốt, đạt 110%, Đài Loan (Trung Quốc) đạt 147%. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 76% và Nhật Bản là 74%. Ở châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt 120%, Ý đạt 113%, Đức và Anh cũng lần lượt đạt 110% và 101%. Pháp gần phục hồi hoàn toàn với 94%. Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 106%, Úc đạt mức 122%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 8,8 triệu lượt và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Dấu ấn nổi bật trong nửa đầu năm của ngành du lịch là hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Trong đó đáng chú ý là sự thành công của chuỗi chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở Úc, Pháp, Đức, Ý…
Đối với khách nội địa, trong tháng 6/2024 đạt 14 triệu lượt khách, tăng 17% so với tháng trước và tăng gần 4% so với tháng 6/2023 (trong đó có khoảng 9,3 triệu lượt khách có lưu trú). Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng khách nội địa đạt 66,5 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2019 (45,5 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436.500 tỷ đồng.
Với thị trường trong nước, hoạt động du lịch diễn ra sôi động trên toàn quốc với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”. Hưởng ứng chương trình này, các địa phương, doanh nghiệp đã tung ra hàng loạt gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn, tổ chức các sự kiện, lễ hội đa dạng, độc đáo để thu hút khách du lịch.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, nước ta đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa và mùa thấp điểm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế trong tháng 6 vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, nên cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc.
Kết quả này có được xuất phát nền kinh tế thế giới đã dần phục hồi và ổn định hơn sau dịch, các chuyến bay thẳng từ các quốc gia khác đến Việt Nam ngày càng đa dạng hơn giúp du khách thuận tiện hơn khi di chuyển và tiết kiệm được ngân sách. Việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới cũng tạo nên sự hấp dẫn và gia tăng sức cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam.
Trong năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế.
Trong năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, hội nghị cho rằng ngành du lịch cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu. Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.
Thu Trang
Bình luận