Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 15/08/2022 06:08
TMO - Tây Ninh là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch. Tận dụng các lợi thế sẵn có, thời gian qua địa phương này đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với nét đặc trưng, từ đó thúc đẩy triển khai có hiệu quả mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với đường biên giới dài 240km giáp với Campuchia, Tây Ninh hiện sở hữu 16 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát) kết nối trực tiếp TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh.... là điều kiện thuận lợi để Tây Ninh đẩy mạnh phát triển, quảng bá du lịch.
Tây Ninh được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có có 95 di tích lịch sử văn hóa, đình chùa được xếp hạng, trong đó nổi tiếng nhất là Tòa thánh Cao Đài với kiến trúc độc đáo, một số tháp Chăm cổ có lịch sử hơn 1.200 năm, như tháp cổ Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên, là một trong 3 đền tháp cổ còn lại ở Nam bộ); tháp Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng) là công trình tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở nước ta...
Núi Bà Đen trở thành điểm du lịch tâm linh, văn hóa hàng đầu trong phát triển du lịch tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Đức An
Nổi bật nhất trong các điểm đến du lịch tâm linh ở Tây Ninh là quần thể di tích núi Bà Đen, được ví như mái nhà Đông Nam bộ với độ cao gần 1.000m với nhiều di tích nổi tiếng như: Điện Bà hay Linh Sơn Tiên Thạch Động, khu vực này có chùa Thượng (chùa Bà), chùa Hang và chùa Trung ở chân núi Bà Đen. Động Kim Quang, động Cây Da và hang Đất là căn cứ của Huyện ủy Tòa Thánh từ năm 1960; đỉnh núi Bà có căn cứ truyền tin của Mỹ xây dựng từ năm 1965 ghi dấu nhiều chiến công của quân dân Tây Ninh...
Đến nay, Tây Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Đờn ca tài tử, Lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc (thị xã Trảng Bàng), Múa trống Chhay-dăm (thị xã Hòa Thành), Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh), Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và Ẩm thực chay Tây Ninh. Trong đó, Đờn ca tài tử và Lễ hội Kỳ yên là hai di sản phi vật thể phổ biến ở Nam bộ, 4 di sản còn lại thể hiện sự độc đáo riêng của Tây Ninh.
Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh khai thác và phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vừa được công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN. Với hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm, Vườn không chỉ có vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
VQG Lò Gò – Xa Mát không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học mà còn là di tích lịch sử với nhiều lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch. Ảnh: QT
Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, địa bàn VQG Lò Gò – Xa Mát còn là di tích lịch sử. Nơi đây đã ghi dấu nhiều chứng tích quan trọng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng và Xưởng phim Giải phóng...
Thời gian qua, Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới như: du lịch đường sông, du lịch sinh thái (hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn), du lịch về nguồn… nhằm phát huy giá trị Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, biến nơi này trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.
Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực chay trên núi Bà Đen, tạo dấu ấn và nét đặc sắc riêng nhằm quảng bá di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật chế biến món ăn chay” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng như tổ chức các lễ hội, các sự kiện thể thao, văn hoá, du lịch, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh nhà; triển khai các hoạt động đã ký kết, hợp tác về du lịch giữa Tây Ninh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, các tỉnh/thành trong và ngoài nước, cơ quan truyền thông; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour tuyến du lịch giữa các tỉnh.
Tây Ninh đẩy mạnh tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nhằm quảng bá phát triển du lịch (Trong ảnh là Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng Ảnh: Nguyễn Thành)
Hướng tới mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh vào năm 2030, tỉnh sẽ tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành có uy tín để kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch tâm linh vốn là thế mạnh của Tây Ninh tại các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường phía Bắc. Xây dựng các cơ chế phù hợp để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nhất là du lịch nông nghiệp; xây dựng các điểm tham quan tại doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc sản của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mà trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, dự kiến đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen sẽ trở thành một trong những khu du lịch đẳng cấp của khu vực và Quốc gia; là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.
Bên cạnh đó, các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử cùng với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông sẽ tạo bước đột phá trong các hoạt động du lịch của tỉnh Tây Ninh.
Lê Kiên
Bình luận