Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 16/01/2022 21:01
TMO - Với 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được coi là “kho báu thiên nhiên” trong giai đoạn 2000-2021, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á. Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững.
Được thiên nhiên ưu ái cho cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động thực vật đa dạng, phong phú cả về số lượng và chủng loại, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam (nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới) vào ngày 21/1/2000. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của nước ta
Gần 1 năm sau, ngày 10/11/2001, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai tiếp tục được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Nơi đây được xem như “lá phổi xanh” của miền Ðông Nam Bộ với giá trị đa dạng sinh học cao, có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam và rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
Trong các năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục có thêm 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (được xem là trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam), Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Cả hai khu dự trữ sinh quyển này đều được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 2/12/2004.
Tiếp đó là Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận năm 2006; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (năm 2007); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (năm 2009); Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được công nhận năm 2015.
Vẻ đẹp hoang sơ của khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Gần đây nhất là Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. Cả hai khu dự trữ sinh quyền này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Nigeria.
Như vậy, với 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được coi là “khó báu thiên nhiên” trong giai đoạn 2000-2021, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á. Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững.
Các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Trong số đó, có những khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo khác h du lịch tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần.
Khu vực Núi Chúa của Ninh Thuận đặc biệt ở chỗ đây là một vùng địa hình thấp, ven biển thuộc tiểu vùng khí hậu khô hạn nhất Việt Nam. Nơi đây có trên 300 ngày nắng trong một năm, lượng mưa tương đối ít. Vì vậy, hệ thực vật Núi Chúa rất đặc trưng gồm đá sa thạch già, núi thoải, cây bụi gai rất nhiều để tiết chế mất nước với hệ động thực vật đặc trưng riêng. Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam cũng như của Đông Nam Á và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu được lựa chọn là vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất trong tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận thời gian qua, tại các khu dự trữ sinh quyển đã có nhiều khởi xướng, nỗ lực để triển khai các chiến lược và Kế hoạch hành động LIMA của Chương trình Con người và sinh quyển, nhằm cải thiện sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tồn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Các nỗ lực đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.
Nguyễn Ngọc
Bình luận