Hotline: 0941068156
Thứ tư, 05/02/2025 21:02
Thứ tư, 05/02/2025 07:02
TMO - Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là cơ sở quan trọng cho các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa địa phương vươn xa. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành, đạt được những thành quả nhất định.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với số lượng chăn nuôi luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với tổng đàn gia súc là 2,1 triệu con và tổng đàn gia cầm là 25,7 triệu con. Trong đó, tổng đàn lợn vào khoảng 2 triệu con với chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Bám sát chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai rất tích cực triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý, cụ thể thông qua nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đang sử dụng nhiều phần mềm/cơ sở dữ liệu ngành trong nhiều lĩnh vực gồm: phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; chăn nuôi và thú y. Các phần mềm phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Địa phương này đã triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật. Về dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật, đến nay toàn tỉnh có gần 1,2 nghìn cá nhân, tổ chức tham gia như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ lợn, thương nhân thu mua lợn, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học... Dự án Quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 1,8 nghìn trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm.
Trang trại chăn nuôi lợn cho năng suất cao ở Long Khánh (Đồng Nai). Ảnh: TT.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số như: Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2020, ngành đã triển khai 2 dự án về quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật.
Tỉnh cũng tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp triển khai áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng Nai cũng đang tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng để phục vụ chuyển đổi số. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, chuyển đổi số được xác định là động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững.
Công nghệ số đã được ứng dụng khá phổ biến vào chăn nuôi như: cảm biến nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi; theo dõi năng suất con giống qua các phần mềm, sử dụng các phần mềm trong quản lý...
Định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh là tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về nông nghiệp tuần hoàn và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi. Đặc biệt, chú trọng các chương trình giáo dục và đào tạo có thể trao quyền cho người chăn nuôi bằng kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả.
Đặt ra mục tiêu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đề ra 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Trước hết, về phát triển nền tảng chuyển đổi số cần tập trung các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người nông dân. Kiến tạo thể chế, tổ chức bộ máy tạo hành lang pháp lý để thực hiện. Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Phát triển hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an toàn thông tin.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật…
Phát triển kinh tế số nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ số trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành của các chủ thể sản xuất. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và liên kết tiêu thụ các sản phẩm, để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển nông dân số, nông thôn số qua xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt và người nông dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Xây dựng chuyển đổi số trong nông thôn mới, nông thôn mới thông minh, thông qua thí điểm 3 xã theo hướng nông thôn mới thông minh.
Xây dựng một số mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế như: mô hình quan trắc cháy rừng; nuôi tôm nước lợ; mô hình thông tin tuyên truyền và đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn dịch vụ trên nền tảng số; ứng dụng IoT trong sản xuất trồng trọt hệ thống giám sát điều kiện môi trường trồng trọt từ xa tích hợp tưới tiêu và bón phân tự động và điều khiển thông qua smart phone.../.
Đức Cường
Bình luận