Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 06/03/2024 11:03
TMO - Tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), cứ mỗi dịp Xuân về bà con các dân tộc vùng cao lại náo nức về trẩy hội chọi bò. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chọi bò là nét văn hóa truyền thống và là ngày hội trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự cần cù lao động, sáng tạo trong một năm làm việc vất vả.
Năm nay, Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm diễn ra với nhiều trận đấu kịch tính, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm năm 2024 có 48 bò đấu đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chia thành 2 hạng cân A (từ 400 kg trở lên), hạng B (từ 300 - 400 kg) thi đấu theo hình thức đấu loại trực tiếp.
Đối với đồng bào dân tộc Mông tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), lễ hội chọi bò đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần.
Trải qua 46 trận đấu quyết liệt, hấp dẫn, kết quả, Ban Tổ chức trao giải vô địch bò chọi hạng A cho chú bò của anh Vừ Văn Lự ở xã Mông Ân; hạng B cho chú bò của anh Vương Văn Bình ở xã Thái Học; 2 giải nhì, 4 giải ba, 2 giải bò chọi thể hình đẹp nhất và 2 giải cặp bò chọi hay nhất.
Bò chọi được chia thành 2 hạng cân, thi đấu theo hình thức đấu loại trực tiếp.
Nét độc đáo tại Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm là những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài. Đây cũng là dịp để các chủ bò thể hiện khả năng của mình trong quá trình chăn nuôi và huấn luyện bò chọi. Một số con bò đoạt giải được nhiều người tìm mua với giá từ 70 đến hơn 100 triệu đồng/con; hoặc đến xin giống để nhân đàn.
Thực tế tại huyện Bảo Lâm, việc phát triển đàn và bán ra thị trường mang lại thu nhập cao. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thành phong trào, Lễ hội chọi bò góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi bò...Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp đã tập trung các nguồn vốn, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ voi… để thúc đẩy chăn nuôi trong đồng bào.
Theo quan niệm, con bò gắn bó với người Mông sống trên núi, rừng rậm có nhiều thú dữ. Để bảo vệ cho mình và gia chủ, con bò thường xuyên đấu đọ sức với thú dữ... hình thành bản năng vào trận nếu có đối thủ đe dọa. Vì vậy, người Mông quý bò, họ làm chuồng bò sạch, đẹp và chăm sóc cẩn thận. Việc chọn bò, huấn luyện bò được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.
Lễ hội chọi bò được tổ chức trong niềm mong đợi, háo hức của người dân.
Lễ hội chọi bò được tổ chức trong niềm mong đợi của người dân và sự háo hức của những người chăn nuôi bò tại vùng đất có nhiều “vua bò” bậc nhất tỉnh. Lễ hội chọi bò cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của những người chăn nuôi bò, đồng thời là “đấu trường” với những trận đấu kịch tính, hấp dẫn của những chú bò u đực.
Sau một vòng tham quan, chiêm ngưỡng những chú bò đẹp, thân hình có sự hài hòa giữa các phần đầu và cổ, thân và vai… đông đảo khán giả tập trung chủ yếu tại đấu trường dành cho chọi bò. Những con bò được chủ bò dẫn vào sàn đấu trong tiếng reo hò vang rội của hàng nghìn khán giả. Có trận đấu diễn ra vẻn vẹn chưa đến 1 phút bởi sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và mạnh mẽ của những con bò đã được huấn luyện, nhưng cũng có nhiều trận đấu diễn ra nảy lửa kéo dài 10 - 15 phút với nhiều miếng chọi hấp dẫn… tất cả đều tạo nên không khí vô cùng sôi động.
Được biết, Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, là dịp để vinh danh những chú bò to nhất, khoẻ đẹp nhất nhằm giữ gìn và phát triển nguồn gen bò quý hiếm, cổ vũ phong trào chăn nuôi bò giỏi của đồng bào địa phương, đồng thời cũng là nét văn hoá độc đáo đã có từ rất lâu đời của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lâm. Ngoài ra, Lễ hội chọi bò còn thể hiện được sự gắn kết cộng đồng và sự rèn giũa chăm sóc của con người với vật nuôi, góp phần vào phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.
Tạ Thành
Bình luận